Đây là lần đầu tiên, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải tại khu vực Tây Nguyên nhằm ghi nhận, động viên, khen thưởng đội ngũ người làm báo có tác phẩm báo chí chất lượng tốt, đăng tải trong năm 2023, viết về Tây Nguyên.
Sau thời gian phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 250 tác phẩm dự Giải của nhà báo, phóng viên, hội viên, phóng viên thường trú đang công tác tại Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí khu vực Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Hội đồng Chung khảo đã lựa chọn 22 tác phẩm đoạt Giải; trao 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Theo đó, tại thể loại Báo in - Báo Điện tử, giải Nhất thuộc về loại bài 4 kỳ “Trước 3 chữ “biến”- kiến tạo thế nào?" của tác giải Võ Văn Việt, Báo Lâm Đồng; tại thể loại Phát thanh - Truyền hình, giải Nhất thuộc về ký sự 3 kỳ “Từ cột mốc ba biên” của nhóm tác giả Đặng Văn Hiển, Trần Quang Mẫn- Đài Phát thanh- truyền hình tỉnh Kon Tum.
Các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên được trao giải gồm: Giải 3 thể loại Phát thanh - Truyền hình với tác phẩm "Bánh vẽ với sâm Ngọc Linh" của nhóm tác giả Hoàng Cao Nguyên - Dư Văn Toán, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Kon Tum; Giải Khuyến khích thể loại Báo in - Báo Điện tử với tác phẩm "Vụ khủng bố tại Đắk Lắk: Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh" của nhóm tác giả Phan Anh Dũng - Trần Quang Thái - Tống Thị Hoài Thu - Mai Hưng Thịnh, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông.
Theo đánh giá của các thành viên Ban Giám khảo, các tác phẩm dự thi có sự quan tâm bài bản, tác phẩm tham dự Giải đạt chất lượng khá tốt về nội dung và hình thức. Một số tác phẩm có chủ đề mới, súc tích, ngắn gọn, nội dung phong phú, kết hợp nhiều phương thức truyền tải thông tin, tạo sức lan tỏa, lôi cuốn bạn đọc; có nhiều đề tài độc đáo, giàu hình ảnh, âm thanh hiện trường, tiếng động nhân vật, tiếng động nền, âm nhạc... khá sinh động, sâu lắng, có sự đầu tư đem lại nội dung phong phú; đặc biệt là thể hiện văn hóa và những nỗ lực giữ gìn phong tục, văn hóa của chính quyền các địa phương, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Đề tài được nhiều đơn vị đề cập là bảo vệ chủ quyền, an ninh Tổ quốc, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, kích động hận thù giữa các dân tộc anh em nhằm chia rẽ nhân dân với Đảng, chính quyền; gây bất ổn ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Ngoài ra, các tác phẩm còn phản ánh mọi mặt của đời sống của đồng bào Tây Nguyên trong xây dựng đời sống văn hóa buôn làng, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, phổ cập văn hóa, xóa mù chữ, tìm tòi những phương thức canh tác, cây giống, con giống phù hợp để phát triển kinh tế; đặc biệt là nâng cao ý thức chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Một số tác phẩm viết về gương người tốt, việc tốt; gương làm kinh tế giỏi, góp phần lan tỏa hình ảnh, con người Tây Nguyên luôn năng động, hết mình vì cộng đồng. Báo chí khu vực Tây Nguyên cũng đã phản ánh sinh động nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị.
Tại Lễ Trao Giải, Báo Người Lao Động đã trao tặng tỉnh Gia Lai 5.000 lá cờ Tổ quốc từ chương trình “Cờ Tổ quốc biên cương” và trao 100 triệu đồng học bổng hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo tỉnh Gia Lai; Hội An toàn giao thông Việt Nam trao tặng 300 nón bảo hiểm cho học sinh nghèo tại tỉnh Gia Lai.