Sửa đổi Luật Doanh nghiệp phù hợp thực tế và thông lệ quốc tế

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang chuẩn bị được Quốc hội đưa ra thảo luận tại hội trường với mục tiêu thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được kinh doanh hoạt động trong môi trường ngày càng thông thoáng. Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Đỗ Văn Vẻ, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã có những chia sẻ xung quanh những vấn đề bất cập của Luật Doanh nghiệp năm 2005 cần phải sửa đổi lần này.


Với vai trò là đại biểu Quốc hội đại diện cho doanh nghiệp, theo ông sau một thời gian thực hiện, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bộc lộ những bất cập gì cần phải sửa đổi lần này?

Sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này theo tôi là rất cần thiết và rất tốt cho doanh nghiệp. Trước đây, Luật này cơ bản đã tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, sau gần 8 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ nhiều bất cập. Thứ nhất, về việc yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh phải ghi thêm nhiều nghành nghề trong giấy phép đăng ký kinh doanh, điều này sẽ làm cho các doanh nghiệp lỡ cơ hội kinh doanh. Thực tế, trên thị trường có nhiều loại hình, lĩnh vực kinh doanh và khi doanh nghiệp phát hiện được ngành nghề kinh doanh mới, phù hợp thì việc yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh mới trong giấy phép sẽ làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp, từ đó có thể mất cơ hội kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Đỗ Văn Vẻ phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.


Ngoài ra, trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định, trong điều lệ của công ty phải ghi vào rõ ngành nghề kinh doanh trong giấy phép. Vì vậy, mỗi khi doanh nghiệp muốn thay đổi ngành nghề kinh doanh đó phải có ý kiến của đại hội cổ đông. Trong khi để tổ chức đại hội cổ đông đối với doanh nghiệp có hàng nghìn cổ đông sẽ rất khó khăn và không phải lúc nào doanh nghiệp cũng tổ chức đại hội cổ đông được.


Vậy để giải quyết những bất cập đó, tôi đề nghị trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này nên quy định không cần ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy phép đăng ký kinh doanh mà chỉ ghi những ngành nghề kinh doanh có điều kiện để các cơ quan chức năng tiện theo dõi. Còn những ngành nghề kinh doanh pháp luật không cấm thì không cần ghi nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh được thuận lợi hơn.


Điểm bất cập nữa là trong Luật Doanh nghiệp năm 2005, giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đầu tư cùng đồng nhất là một. Theo tôi, điều đó là bất hợp lý vì nếu doanh nghiệp khi được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh nếu có dự án đầu tư mà bán dự án cho đối tượng khác khác thì rất khó vì liên quan đến địa vị pháp lý của doanh nghiệp. Đăng ký kinh doanh là thể hiện địa vị pháp lý của doanh nghiệp gồm tên của tổ chức, ngành nghề kinh doanh. Còn chứng nhận đầu tư là chứng nhận dự án đầu tư cho các doanh nghiệp. Trên thực tế, có những doanh nghiệp khi đã thành lập xong mới có những dự án đầu tư, sau đó lại muốn chuyển dự án đầu tư cho đơn vị khác thì bị vướng về vị trí pháp lý. Để giải quyết vấn đề tồn tại này, Luật sửa đổi lần này nên tách riêng hai loại giấy này để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động.


Điểm bất cập thứ ba là Luật Doanh nghiệp năm 2005 yêu cầu tối thiểu phải có 65% tổng số phiếu biểu quyết tham dự họp đại hội đồng cổ đông và phải có sự chấp thuận của số cổ đông đại diện ít nhất 65% hoặc 75% tổng số phiếu biểu quyết tham dự họp đối với quyết định thông thường hoặc “đặc biệt” tương ứng. Nhưng theo nghị quyết của Quốc hội khi nước ta ra nhập WTO quy định 51% là tỷ lệ điều tiết mà các doanh nghiệp chỉ chú ý đến Luật Doanh nghiệp chứ không chú ý đến Nghị quyết của Quốc hội. Vì vậy, sửa đổi Luật lần này theo tôi phải quy định rõ tỷ lệ điều tiết là bao nhiêu phần trăm.


Điểm nữa là thời gian góp vốn điều lệ, theo quy định đối với Công ty cổ phần thời hạn góp vốn là 90 ngày, còn Công ty TNHH góp vốn trong thời hạn 36 tháng. Điều này sẽ được bàn bạc sửa đổi vì nếu quy định thời gian 36 tháng đối với công ty TNHH là hơi dài. Theo dự kiến quy định đối với Công ty TNHH có thể hạ xuống còn 90 ngày. Điều này có mặt thuận lợi là thời gian góp vốn ngắn hơn nhưng lại không thuận lợi trong thời gian đó các doanh nghiệp nếu có dự án đầu tư sẽ vừa phải lo vốn thực hiện dự án vừa phải lo vốn góp nên sẽ gặp nhiều khó khăn. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên để nguyên thời gian góp vốn của Công ty TNHH như Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định, nhưng phải yêu cầu doanh nghiệp cam kết trong thời gian 36 tháng phải góp đủ vốn.


Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trong bối cảnh nước ta vừa thông qua việc sửa đổi Hiến pháp. Nhiều ý kiến cho rằng sửa đổi phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy, ý kiến của đại biểu về vấn đề này như thế nào?


Tôi đồng tình với Chính phủ là việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư; qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là tạo ra những đột phá mới, góp phần cải cách thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm phát huy nội lực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.


Cùng với việc tạo thuận lợi hơn cho việc thành lập doanh nghiệp; đối xử bình đẳng về thủ tục thành lập doanh nghiệp, gia nhập thị trường giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí, tạo cơ chế vận hành linh hoạt, hiệu quả cho tổ chức quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp. Đồng thời, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp. Ngoài ra, tạo thuận lợi hơn và ít tốn kém hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.


Đồng thời, sửa đổi Luật lần này cũng là để phù hợp với Hiến pháp và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Chúng ta vừa ra nhập WTO thì chúng ta phải cùng sân chơi với quốc tế. Những điều bất hợp lý thì lần này Quốc hội đưa ra bàn bạc để sửa đổi. Tuy nhiên, cần phải hướng cho Luật đi vào cuộc sống và cuộc sống phải đi vào Luật. Điều đó có nghĩa là phải tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng phải có sự kiểm soát của Nhà nước. Đây là điều Quốc hội phải bàn để dự thảo Luật Doanh nghiệp khi đưa vào áp dụng được khả thi và sẽ giúp cho việc đưa Luật đi vào cuộc sống thuận lợi hơn.


Xin cảm ơn đại biểu.

Đỗ Thảo Nguyên (thực hiện)

Sửa đổi Luật Doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển
Sửa đổi Luật Doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CEM), Luật Doanh nghiệp mỗi lần bổ sung, sửa đổi đều tạo ra sự thay đổi, có những thay đổi mang tính đột phá và ông hy vọng, Luật mới sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN