Sửa đổi Hiến pháp 1992 theo yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền

Là chủ đề của hội thảo khoa học do Tạp chí nghiên cứu Lập pháp (Văn phòng Quốc hội) và Tạp chí pháp luật và phát triển (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức ngày 7/12 tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có trên 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học từ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và một số trường đại học.

Hơn 30 tham luận được trình bày và gửi tới hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất một số điểm cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 theo 3 chủ đề chính: Hiến pháp và vấn đề tổ chức quyền lực; Hiến pháp và vấn đề quyền con người, quyền công dân; Vai trò lãnh đạo của Đảng và cơ chế bảo vệ Hiến pháp.

Bàn về Hiến pháp và vấn đề tổ chức quyền lực, các nhà khoa học đã phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xác định đúng những vấn đề cấp thiết nhất trong việc hoàn thiện Hiến pháp của Việt Nam, đồng thời nghiên cứu, đề xuất nhằm phát huy tính hiệu quả của hệ thống chính trị, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực trong nhà nước pháp quyền. Các chuyên gia cũng phân tích, đề xuất một số sửa đổi cụ thể để đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; bên cạnh đó là những vấn đề về vị trí, vai trò của nguyên thủ quốc gia - Chủ tịch nước; quyền hành pháp của Chính phủ trong cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực ở nước ta; việc hoàn thiện chính quyền địa phương...

Những thành công, hạn chế trong cách thức quy định vấn đề quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp Việt Nam cũng được các chuyên gia phân tích, đánh giá sâu sắc; gợi mở một số vấn đề sửa đổi về quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền tự do kinh doanh và các quy định khác về quyền và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp hiện hành.

Với nhiều góc độ tiếp cận, các nhà khoa học đều khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng quy định trong Hiến pháp như một bảo đảm cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Vấn đề hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp được các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu công phu, đánh giá thực trạng và hạn chế của cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam, phân tích các mô hình tài phán hiến pháp của một số quốc gia và dự báo khả năng hoàn thiện mô hình hữu hiệu bảo vệ hiến pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam như một cam kết cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền, kiểm soát quyền lực nhà nước...

Thanh Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN