Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Chiều 26/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Bên lề Kỳ họp, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã trao đổi một số ý kiến về dự án Luật.

Chú thích ảnh
Đại biểu Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn về việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đánh giá, việc đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ ra Quốc hội lần này hết sức kịp thời, cần thiết đáp ứng bối cảnh quốc tế và trong nước. Hiện nay, chúng ta đang trên đà hội nhập quốc tế và càng hội nhập quốc tế sâu rộng, sở hữu trí tuệ càng là một vấn đề rất quan trọng. Về trong nước, chủ trương của Đảng, Nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ càng trở nên cấp thiết hơn nữa.

Là người làm trong lĩnh vực giáo dục và khoa học, đại biểu Vũ Hải Quân quan tâm đến vấn đề giao cho các cơ quan chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu về quyền được triển khai, quyền được sở hữu các bằng phát minh, sáng chế, sở hữu công nghiệp của các đề tài, nhiệm vụ nhận kinh phí từ nhà nước.

Theo đại biểu Vũ Hải Quân, thực tế ở Hoa Kỳ, việc giao cho cơ quan chủ trì thực hiện các nghiên cứu từ ngân sách nhà nước, được thương mại hóa các sản phẩm đã được thực hiện từ những năm 1980. Trước dự án luật này được thông qua, Hoa Kỳ đã có khoảng 28 nghìn bằng phát minh sáng chế mà chưa triển khai được. Sau khi giao cho các đơn vị chủ trì sẽ giải phóng được năng lượng giúp các nhà khoa học cùng các trường Đại học, các cơ sở nghiên cứu được quyền thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu đó và giúp đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu đó.

Thực tiễn thứ hai là từ chính Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã hợp tác với Sở Khoa học và Công nghệ của hai địa phương liên quan đến vấn đề y sinh và hóa dược (sàng lọc các hợp chất thiên nhiên để cho ra các sản phẩm về dược). Công tác triển khai tại các doanh nghiệp để thương mại hóa các sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn vì phải thương lượng với các Sở khoa học và Công nghệ các địa phương. Do các Sở (Sở Khoa học và Công nghệ) nhiệm vụ chính là quản lý nhà nước, không phải là đơn vị triển khai ứng dụng thực tế, quá trình thương lượng gặp nhiều khó khăn và chậm trễ.

“Từ thực tiễn hơn 40 năm trước, Hoa Kỳ đã triển khai ý tưởng này. Thực tế nhu cầu hiện nay của đất nước cho thấy, việc đồng ý chủ trương giao cho đơn vị chủ trì triển khai thương mại hóa kết quả nghiên cứu có thể nói là không thể dừng được nữa. Cần phải làm và làm quyết liệt hơn nữa để sớm phát huy được đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị khởi nghiệp, đóng góp hơn nữa vào sự phát triển nền kinh tế đất nước”- đại biểu Vũ Hải Quân nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh chia sẻ góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ. 

Cũng có chung quan điểm cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ là rất cần thiết, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh chia sẻ, Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005 và đã sửa đổi năm 2009, 2019. Lần sửa đổi lần này tập trung vào các nội dung liên quan đến rất nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác quản lý, thực tế triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ và phù hợp với những cam kết quốc tế mà Việt Nam có tham gia.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc trong khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến các cơ quan thẩm định, thẩm tra. Trong văn bản mới nhất, Ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại tổ, trong đó có tiếp thu ý kiến không thu hẹp phạm vi xử lý vi phạm hành chính. Thay vì thu hẹp phạm vi xử lý vi phạm hành chính như dự thảo, Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu và giữ nguyên như quy định cũ là tất cả các vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ đều phải được xử lý vi phạm hành chính. Điều này thể hiện sự lắng nghe, cầu thị của Ban soạn thảo đối với tiếng nói của cử tri, của đại biểu trong quá trình xây dựng luật.

Góp ý vào dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết, qua nghiên cứu nhận thấy còn thiếu hợp lý trong thiết kế Điều 112 và Điều 112 a (liên quan đến ý kiến của người thứ ba và đơn phản đối ý kiến của người thứ ba trong việc đăng ký văn bằng bảo hộ). Hai điều luật này có nội dung tương đối tương đồng, nên có thể xây dựng theo hướng không quy định thêm Điều 112 a, mà chuyển tải tất cả nội dung của Điều 112 a vào Điều 112, để tránh sự trùng lặp. Bên cạnh đó, nội dung của hai điều luật này còn thể hiện sự chưa thống nhất liên quan đến ý kiến của người thứ ba khi Điều 112 coi là ý kiến tham khảo, là “nguồn thông tin tham khảo”, nhưng Điều 112 a lại coi đó là “nguồn thông tin”.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh bày tỏ ủng hộ quan điểm người nộp đơn phản đối phải nộp phí và lệ phí để thể hiện trách nhiệm và hậu quả pháp lý của họ đối với đơn phản đối. Tuy nhiên, theo đại biểu, có thể nghiên cứu theo hướng nếu đơn của họ cung cấp thông tin, hồ sơ chính xác để cơ quan có thẩm quyền xem xét sẽ có cơ chế hoàn phí cho người nộp đơn, vì việc xem xét, cấp bằng là trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

Tin, ảnh: Xuân Khu  (TTXVN)
Luật Sở hữu trí tuệ đủ chế tài mạnh để 'răn đe'
Luật Sở hữu trí tuệ đủ chế tài mạnh để 'răn đe'

Chiều 26/10, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV, các đại biểu tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. Bên lề Kỳ họp, một số đại biểu đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức xung quanh dự án Luật lần này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN