Đại biểu Phan Xuân Dũng, đoàn Ninh Thuận: Sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình
Sở hữu trí tuệ được xem là tài sản vô hình, quan trọng và ý nghĩa hơn tài sản hữu hình trong kinh tế mới, kinh tế số. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới, việc quan tâm tới tài sản này là cần thiết. Luật Sở hữu trí tuệ ra đời 2005, đã qua hai lần sửa đổi, nên cần bổ sung, sửa đổi các vướng mắc cho phù hợp với tình hình mới.
Các quy định pháp luật lần này của Luật Sở hữu trí tuệ không sửa nhiều, nhưng vấn đề các đại biểu quan tâm là phải đảm bảo quy định sở hữu trí tuệ chặt chẽ, rõ ràng, để những cá nhân, tổ chức không còn cơ hội vi phạm.
Đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang: Đề cao sở hữu trí tuệ cá nhân, khuyến khích nghiên cứu khoa học phát triển
Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi cách đây hai năm, lần này tiếp tục sửa đổi cho thấy tính ổn định của luật pháp chưa cao. Đây là hạn chế. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự tham gia của trí tuệ nhân tạo và sự tham gia hội nhập tích cực của Việt Nam với nhiều các cam kết, điều ước quốc tế, thì không thể không sửa đổi.
Video Đại biểu Trần Văn Lâm chia sẻ với phóng viên báo Tin tức:
Trong quá trình sửa đổi, cơ quan chức năng tính toán cân nhắc, để không thiệt hại quá lớn đối với những chủ thể được áp dụng điều khoản của luật cũ và tính toán để luật có hiệu lực lâu dài hơn, bảo vệ người trực tiếp sáng tạo.
Hiện nay, đề tài nghiên cứu khoa học bằng nguồn lực ngân sách, cơ quan (chủ đầu tư) đi đăng ký cấp sở hữu trí tuệ. Vì vậy, luật đưa ra các vấn đề cần xem xét, điều chỉnh, để động viên, khích lệ những nhà khoa học hăng say sáng tạo, đảm bảo sở hữu trí tuệ cá nhân phát triển.