Các đại biểu tham dự Hội thảo thống nhất cao về sự cần thiết, tầm quan trọng của Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để khắc phục những tồn tại, bất cập trong thực tiễn và góp phần hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Có chung quan điểm với đại diện Sở Tư pháp Thành phố, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, hơn 11 năm qua, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (có hiệu lực từ 1/7/2011) đã góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật đã xác định hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam, đồng thời là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có tính chất xuyên quốc gia trong một số trường hợp thực tế có yếu tố nước ngoài.
Tuy nhiên, trong tình hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phát triển sâu rộng hội nhập và hợp tác quốc tế rất cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 để đáp ứng yêu cầu thực tế...
Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung Luật cũng là việc làm phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, như quy định tại Chỉ thị 30-CT-TW ngày 22/1/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị cần có thêm một chương mới, dành riêng về hợp tác quốc tế bảo vệ người tiêu dùng, tương xứng với tầm quan trọng của công tác hợp tác quốc tế trong bảo vệ người tiêu dùng. Theo bà Trương Thị Hòa, việc hợp tác quốc tế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng rất phong phú và đa dạng, bao gồm chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng chuyên trách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng thông qua các quy định về chất lượng sản phẩm, minh bạch hóa thông tin về sản phẩm… Vì vậy, dự thảo Luật chỉ có Điều 54 quy định về hợp tác quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân nước ngoài là chưa đầy đủ.
Quan tâm đến các yếu tố đảm bảo quyền của người tiêu dùng trong các giao dịch, bà Vũ Ngọc Anh, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, tại điểm a, khoản 4, Điều 11 của dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, sử dụng thông in phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hay không cho phép chia sẻ, chuyển giao thông tin cho bên thứ ba. Vì vậy, người tiêu dùng cần được biết về bên thứ ba để có thêm thông tin trong việc quyết định lựa chọn cho phép hoặc không cho phép.
Bên cạnh đó, theo bà Vũ Ngọc Anh, cần có thêm những điều khoản quy định về cơ chế, biện pháp đảm bảo cho các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng như điều chỉnh nội hàm “hành vi quấy rối người tiêu dùng” bao gồm trực tiếp hoặc gián tiếp với người tiêu dùng với mục đích của hành vi.
Cũng với mục đích bảo vệ người tiêu dùng trước các hành vi xâm hại, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung thêm việc lưu trữ, chỉnh sửa, hủy bỏ thông tin của hàng hóa vào nhóm hành vi bị cấm quy định tại khoản 1, Điều 17, bởi đây cũng là một thủ đoạn để che giấu vi phạm của người bán hàng; bổ sung trách nhiệm tuân thủ pháp luật về thuế đối với người bán hàng qua mạng, quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 22 của dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo đã bổ sung thêm 1 chương mới về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng xác định chính xác người tiêu dùng là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình…; bổ sung quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…