Các đơn vị đang gấp rút thi công, khắc phục những đoạn đường bị hư hỏng. Ảnh: Nguyễn Cường /TTXVN |
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, 2 ngày qua, địa bàn các huyện của tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa lớn, lũ xuất hiện trên các suối, gây thiệt hại nặng về người, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Nghiêm trọng là mưa lũ đã làm Quốc lộ 37 đoạn đi qua địa phận hai huyện Bắc Yên và Phù Yên của tỉnh Sơn La bị hư hỏng nặng, gây ách tắc, chia cắt giao thông trên nhiều đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như đi lại của bà con nhân dân. Các đơn vị đang gấp rút thi công, khắc phục những đoạn đường bị ảnh hưởng để sớm có thể thông tuyến Quốc lộ 37, nối lại giao thông giữa hai huyện Bắc Yên và Phù Yên.
Hiện nay, thời tiết trên địa bàn các huyện tỉnh Sơn La đã nắng ráo, tuy nhiên trên các sườn núi ta luy dương, do đã ngấm nhiều nước nên xảy ra tình trạng sạt lở khiến đất đá, cây to trượt xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông. Cung đường từ huyện Bắc Yên sang Phù Yên đã có khoảng 30 điểm sạt lở lớn, nhỏ. Tại các điểm này, mặc dù nước đã rút nhưng độ xoáy của dòng chảy lớn, rất nguy hiểm. Các đơn vị quản lý đường bộ cùng lực lượng chức năng hai huyện Bắc Yên và Phù Yên đã cảnh báo nguy hiểm nhưng mọi người vẫn di chuyển trên cung đường này bằng cách đi xe gắn máy hoặc đi bộ.
Dự kiến, vào lúc 21 giờ ngày 12/10/2017, Quốc lộ 37 sẽ tạm thời thông tuyến. Ảnh: Nguyễn Cường /TTXVN |
Để nhanh chóng thông tuyến Quốc lộ 37, các đơn vị quản lý đường bộ và lực lượng chức năng các địa phương đã huy động tối đa nhân lực, máy móc để khắc phục những đoạn đường bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn nhất. Ông Hoàng Mạnh Tiến, Hạt trưởng Hạt quản lý hạt 237, Công ty Quản lý đường bộ 2, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cho biết, đối với điểm cầu Suối Bùa, đơn vị sẽ thả rọ đá, làm đường cấp phối tại chỗ để đảm bảo giao thông tạm thời. Công ty đã huy động 10 máy xúc, triển khai thông đồng loạt trên quốc lộ 37 là 4 mũi thi công và huy động trên 200 nhân lực của Công ty để thông đường, đảm bảo giao thông. Dự kiến đến khoảng 21 giờ ngày 12/10 sẽ tạm thông tuyến Quốc lộ 37 (đoạn đi qua địa phận hai huyện Bắc Yên và Phù Yên) cho xe có trọng tải nhỏ đi qua.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, tính đến 17 giờ ngày 12/10, mưa lũ tại Sơn La đã làm 6 người chết, 2 người mất tích và 3 người bị thương; hơn 400 ngôi nhà bị sập đổ cuối trôi, sạt lở, xói trôi, ngập nước và phải di dời khẩn cấp. Mưa lũ đã làm thiệt hại hơn 550 ha lúa, 110 ha hoa màu và hàng trăm con gia súc, gia cầm... Ước tổng thiệt hại ban đầu khoảng hơn 59 tỷ đồng.
Ngay sau khi lũ quét xảy ra, các địa phương bị mưa lũ của tỉnh Sơn La đã tổ chức, huy động các lực lượng tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích và giúp đỡ các hộ gia đình di dời tài sản, sửa chữa, khôi phục lại nhà cửa... Tuy nhiên, do các tuyến đường ở các địa phương bị thiên tai lại bị sạt lở, lũ cắt ngang nên công tác khắc phục, cứu trợ đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, nhiều bản bị cô lập nên việc huy động nhân lực vào ứng cứu và di chuyển những hộ có nguy cơ cao bị sạt lở, lũ cuốn gặp rất nhiều khó khăn.
*Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa cho biết, do tác động các đợt mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hại không nhỏ tới kết cấu công trình đường bộ trên các tuyến quốc lộ các tỉnh phía Bắc và Bắc Miền Trung.
Cụ thể, tại địa bàn tỉnh Lào Cai, trên Quốc lộ 4D, sạt lở taluy dương tại 2 điểm với khối lượng 273m3; sạt lở taluy âm tại 1 vị trí với 3 mét dài; bùn đất tràn mặt đường khoảng 18m3. Trên Quốc lộ 279, mưa lũ đã gây sạt lở taluy dương tại 1 điểm với khối lượng 330m3 gây tắc đường (Km78+240). Kinh phí xử lý ước tính khoảng 150 triệu đồng.
Tại địa bàn tỉnh Hà Giang, trên đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú sạt lở taluy dương tại 30 vị trí với khối lượng 460m3. Kinh phí xử lý ước tính khoảng 22 triệu đồng. Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trên các Quốc 18B,18C, Quốc lộ 279 có 8 điểm sạt taluy dương với khối lượng trên 260m3. Kinh phí xử lý ước tính khoảng 340 triệu đồng.
Còn tại địa bàn tỉnh Yên Bái, trên Quốc lộ 37 và Quốc lộ 32, sạt taluy dương nhiều điểm với khối lượng trên 1.500m3. Đặc biệt, nhiều tuyến đường bị tắc do mưa lớn, thông tin liên lạc bị chia cắt. Tại cầu Ngòi Thia mới (Km200+894), cầu Ngòi Nung (Km204+166), cầu suối Đôi I (Km205+372), cầu suối Đôi II (Km205+459) trên Quốc lộ 32 đã xảy ra xói lở kè ốp mố, trụ cầu, trôi mất 100m kè rọ thép đá hộc bảo vệ mố cầu Ngòi Thia… Kinh phí xử lý ước tính khoảng 26 tỷ đồng.
Ở địa bàn tỉnh Sơn La, trên các Quốc lộ 4 G, 6B, 6C, 12 và 32, hàng trăm điểm bị sạt taluy dương với khối lượng trên 3.000 m3. Đặc biệt, tại Quốc lộ 37, nước lũ xói trôi tứ nón và đất đắp sau mố cầu Suối Bùa (phía Phù Yên); sạt taluy dương tại 94 điểm với khối lượng 23.439m3.
Ngoài ra, tại địa bàn tỉnh Phú Thọ, trên Quốc lộ 32 đã sạt lở taluy dương tại 1 điểm với khối lượng 3.000m3 gây tắc đường.
Còn theo đại diện Cục Quản lý Đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), các quốc lộ thuộc Cục quản lý cũng có thiệt hại đáng kể; trong đó, ở các Quốc lộ 6, 15, Quốc lộ1, 3 và 38 có hàng trăm điểm sạt lở với khối lượng trên 11.000 m3.
Tương tự, đại diện Cục Quản lý Đường bộ II (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cũng cho biết, trên địa bàn thuộc Cục quản lý có nhiều điểm bị sạt lở.
Cụ thể, trên Quốc lộ1, đoạn Km374+950-Km375+300 bị ngập hiện nước đã rút. Tuy nhiên, trời vẫn đang mưa to, Cục Quản lý Đường bộ II vẫn đang tổ chức trực gác để phân luồng giao thông khi có ngập.
Trên đường Hồ Chí Minh, các đoạn: Km526+00-Km526+500. Km568+200-Km570+00, Km579+400-Km579+500, Km604+500-Km604+700, Km626+200-Km626+385 bị ngập sâu từ 10-30cm hiện nước đã rút còn 10-15cm, Cục Quản lý đường bộ II vẫn đang tổ chức trực gác để phân luồng giao thông khi có ngập.
Tại khu vực miền Trung, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng bị thiệt hại nặng nề về kết cấu đường bộ. Cụ thể, tại Thanh Hóa các Quốc lộ 217B, 15, 15C, 16 có nhiều điểm bị ngập lụt gây tắc đường. Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ bố trí người trực gác, cấm các phương tiện tham gia giao thông qua lại trên đoạn tuyến này.
Tại địa bàn tỉnh Nghệ An, trên Quốc lộ 15A, 48B, 48E cũng có nhiều điểm bị sạt lở, ngập lụt gây tắc đường. Ở địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Quốc lộ 8C cũng bị ngập sâu khoảng 0,2m. Còn các tuyến đường tại Quảng Bình như Quốc lộ 15 các điểm như Ngầm Khe Mưng Km464+917, Ngầm Khe Đèng Km465+091,Ngầm khe Bẹ Km469+083, Ngầm Bùng Km562+200 vẫn bị bị ngập sâu từ 0,5-1,5m, tắc đường hiện tại chưa thông tuyến.