Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:

Sắp xếp đơn vị hành chính cần đảm bảo đồng bộ, thống nhất

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 7/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn các nội dung liên quan đến lĩnh vực nội chính và tư pháp.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nêu vấn đề về giải pháp thực hiện thành công việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho biết: Nghị quyết số 117/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 với thời gian rất gấp rút, chưa đến một năm để chuẩn bị Đại hội cấp cơ sở năm 2025.

“Với vai trò cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp để thực hiện thành công những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 là chủ trương lớn, là việc khó, đòi hỏi quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị. Qua tổng rà soát, cả nước hiện có 58 địa phương phải tiến hành rà soát 33 đơn vị hành chính cấp huyện, hàng ngàn đơn vị hành chính cấp xã.

“Đây là một khối lượng công việc rất lớn”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh và cho rằng, hơn lúc nào hết, cần tập trung tuyên truyền để thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội, trong các tầng lớp nhân dân để quyết tâm tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cùng với đó, cần đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

“Trước hết, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cần thật sự quyết tâm, quyết liệt, phát huy vai trò, trách nhiệm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc sắp xếp đảm bảo đồng bộ, toàn diện, thận trọng, cụ thể, tạo sự đồng thuận, thống nhất, bám sát các tiêu chí, điều kiện đặc thù để đảm bảo việc sắp xếp thỏa mãn được các yêu cầu thực tiễn đặt ra, nhất là những yếu tố mang tính chất đặc thù”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Cho biết đã có 48 trong số 58 địa phương thuộc diện sắp xếp lại gửi phương án về Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các địa phương còn lại khẩn trương gửi phương án để các Bộ có ý kiến, tiến tới nhanh chóng xây dựng đề án cho việc sắp xếp này. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị chủ động bố trí các nguồn lực cho việc thực hiện sắp xếp này, “do đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, một mặt đòi hỏi sự thận trọng, kỹ lưỡng, cụ thể, sát sao, chặt chẽ, hiệu quả, mặt khác phải hết sức lưu ý đảm bảo các đối tượng chịu tác động không bị ảnh hưởng, nhất là đối tượng cán bộ, công chức dôi dư, đội ngũ cán bộ công chức cấp xã”.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) cho biết, sau một năm, từ Nghị quyết chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 với những giải pháp đưa ra, ngành Thanh tra đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, đội ngũ công chức làm công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng tăng lên. “Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm, giải pháp quản lý cũng như bồi dưỡng đạo đức đối với đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra?”, đại biểu Phạm Nam Tiến chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định, quan điểm khi xảy ra các tiêu cực, tham nhũng của cơ quan tổ chức thanh tra nào và của cá nhân nào sẽ xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời nêu rõ, với tinh thần phòng ngừa từ sớm, từ xa và tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, là phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Do vậy, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm nâng cao chất lượng công tác thanh tra và góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.

“Thanh tra Chính phủ đã và đang chỉ đạo toàn ngành Thanh tra chuyển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả Quy định 131-QĐ/TW của Ban Bí thư quy định về việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán”, ông Đoàn Hồng Phong khẳng định.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Nội dung chất vấn sát thực tế, được cử tri mong đợi
Nội dung chất vấn sát thực tế, được cử tri mong đợi

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đông đảo cử tri, nhân dân theo dõi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN