Sai phạm trong hoạt động trợ giá xe buýt tại TP Hồ Chí Minh

“Mặc dù việc trợ giá cho hoạt động vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt được thực hiện trên 10 năm, tuy nhiên việc xây dựng các văn bản pháp lý cho hoạt động này chưa được kịp thời, chậm trễ trong việc bổ sung, sửa đổi các quy định không phù hợp, tạo kẽ hở cho một số đơn vị vận tải lợi dụng để quyết toán khống tiền trợ giá trong hoạt động đưa rước học sinh”.

Hành khách đón xe buýt tại Bến Thành (Quận 1). Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Đây là nội dung kết luận của UBND TP Hồ Chí Minh về đợt thanh tra toàn diện việc trợ giá xe buýt trên địa bàn vừa được công bố.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải thành phố đã không kịp thời xây dựng quy hoạch, phát triển mạng lưới xe buýt trên địa bàn, dẫn đến trùng lắp (các tuyến 9, 80, 82, 84 trên trục đường Hồng Bàng, Kinh Dương Vương, Quốc lộ 1A…), làm tăng gánh nặng chi trợ giá cho ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (thuộc Sở Giao thông Vận tải) không khảo sát thực tế sản lượng hành khách để xây dựng dự toán phù hợp, dẫn đến không có cơ sở để thực hiện phân bổ kinh phí trợ giá; chưa mời gọi rộng rãi các đơn vị vận tải tham gia các hoạt động đưa đón học sinh, công tác ký kết hợp đồng còn có những sai sót.

Việc kiểm tra, giám sát chưa đầy đủ của Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng đã dẫn đến một số doanh nghiệp vận tải lợi dụng thực hiện hợp thức hóa, giả mạo hồ sơ để tiến hành thanh toán.

Tổng số tiền quản lý các trường nhận được trong các năm 2012 – 2014 là hơn 4.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Tuy nhiên, qua kiểm tra, có trường hợp không tham gia đưa đón nhưng vẫn có tên trong hồ sơ quyết toán.

Nghiêm trọng hơn là việc đối tượng không thuộc diện trợ giá nhưng vẫn được thanh toán trợ giá với số tiền trong các năm 2012 - 2014 là 109,5 triệu đồng. Hai đơn vị thực hiện thanh toán khống gồm Công ty TNHH Châu Cường và Hợp tác xã Phương Lâm với số tiền trợ giá là 169 triệu đồng.

Từ kết quả thanh tra nói trên, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan đối với các thiếu sót, sai phạm; tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt quy hoạch, phát triển mạng lưới xe buýt, điều chỉnh công thức tính trợ giá và phương thức thực hiện trợ giá xe buýt phổ thông, hoạt động đưa rước học sinh, công nhân.


UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải thành phố rà soát, sắp xếp lại luồng tuyến xe buýt cho phù hợp, cắt giảm các tuyến trùng lắp không đúng quy định; định kỳ kiểm tra việc thanh toán tiền trợ giá của các hợp tác xã đối với xã viên; giám sát chặt chẽ và chỉ đạo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng trong công tác điều hành, quản lý nguồn vốn trợ giá.

Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải nhanh chóng thu hồi trên 100 triệu đồng tiền trợ giá tại Trường mầm non Bình Chiểu, quận Thủ Đức do không thuộc đối tượng được trợ giá; đồng thời thực hiện thí điểm đấu thầu các tuyến có sản lượng hành khách cao, tiến tới việc giao chỉ tiêu trợ giá của toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách công cộng phải thông qua đấu thầu.

Đối với các sai phạm của Công ty TNHH Châu Cường, Hợp tác xã Phương Lâm trong việc lập hồ sơ quyết toán khống tiền trợ giá, UBND thành phố đề nghị Thanh tra thành phố chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan Điều tra - Công an thành phố để điều tra, xử lý.

Trần Xuân Tình (TTXVN)
Để dân yêu xe buýt
Để dân yêu xe buýt

Phát triển xe buýt đang được tính đến là phương án để giúp các thành phố như Hà Nội hạn chế dần xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua, lượng hành khách đi xe buýt liên tục sụt giảm do nhiều bất cập về chất lượng, dịch vụ, hạ tầng, lộ trình…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN