Hiện nay, Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) được triển khai lấy ý kiến nhân dân, các cấp, các ngành về những nội dung lớn cũng như các quy định cụ thể để góp phần hoàn thiện Dự thảo.
Góp ý Bộ luật hình sự (sửa đổi), Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có bài viết với nhan đề: “Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân, thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình và lượng hóa các tình tiết định tính trong Bộ luật hình sự”.
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân Trong lịch sử pháp lý của nhân loại, vấn đề trách nhiệm hình sự của tập thể, tổ chức đã được hình thành từ thời kỳ phong kiến và kéo dài hàng nghìn năm. Theo đó, nhiều Nhà nước phong kiến (cả ở phương Đông và phương Tây) đã buộc người phạm tội và cộng đồng nơi người phạm tội cư trú cùng phải chịu tội hoặc chịu tội thay cho người phạm tội.
Tuy nhiên, từ việc nhìn nhận rõ sự vô lý của chế định trách nhiệm hình sự tập thể, sau cách mạng tư sản ở châu Âu, nhất là sau cách mạng tư sản Pháp vào cuối thế kỷ thứ XVIII, nhiều quan điểm đã đề xuất chỉ nên đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân. Nói cách khác, chủ thể của tội phạm chỉ có thể là một cá nhân cụ thể, chứ không thể là một tập thể hay một tổ chức. Quan điểm này đã được chấp nhận và trở thành nguyên tắc xuyên suốt trong Luật hình sự của xã hội văn minh.
Phạm Huỳnh Hải (sinh năm 1978, ngụ ấp Khánh An, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) ngày 26/5 đã bị Tòa án nhân dân tỉnh An Giang tuyên phạt mức án tử hình cho hành vi giết người, cướp tài sản rồi bỏ xác trong bao thả trôi sông. Ảnh: Công Mạo/TTXVN |
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, trên thế giới hiện nay cũng hình thành hai xu hướng liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Theo đó, một số nước đã bắt đầu quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân; nhưng nhiều nước khác vẫn kiên định quan điểm chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân. Đa số các nước thuộc hệ thống pháp luật châu Âu lục địa vẫn không coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm và cho rằng, đối với các vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực kinh tế, môi trường thì chỉ cần đến các biện pháp trách nhiệm hành chính và trách nhiệm dân sự là đủ. Tại Liên bang Nga, vào năm 1991, các cơ quan hữu trách đã trình dự thảo Bộ luật hình sự với đề xuất bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân song đã không được Duma chấp nhận. Kết quả là, Bộ luật hình sự hiện hành của Nga vẫn chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân.
Ở Việt Nam, trách nhiệm hình sự của pháp nhân không phải là vấn đề mới cả trên phương diện nghiên cứu khoa học và xây dựng pháp luật. Nhiều lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, vấn đề này đã được đặt ra nhưng Quốc hội thảo luận và quyết định chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân. Quá trình nghiên cứu soạn thảo Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) hiện nay, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân tiếp tục được đặt ra thảo luận và hình thành hai loại quan điểm chính. Có quan điểm cho rằng, đã đến lúc cần bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Bộ luật hình sự để xử lý đối với các tổ chức kinh tế vì chạy theo lợi ích cục bộ mà bất chấp tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của cộng đồng. Quan điểm khác thì kiên định tư tưởng của Bộ luật hình sự hiện hành, chỉ đặt vấn đề trách nhiệm hình sự đối với cá nhân và cho rằng điều này phù hợp với nguyên tắc cá thể hóa hình phạt, cũng như các điều kiện cụ thể ở nước ta.
Chúng tôi cho rằng, việc đặt vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật hình sự nước ta phải giải quyết một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, về cơ sở Hiến định: Tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, quan điểm của Nhà nước ta về vấn đề trách nhiệm hình sự đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 là chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thông qua việc quy định rõ “người bị buộc tội”, không đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Thứ hai, liên quan đến yếu tố lỗi (một trong bốn yếu tố bắt buộc để phải chịu trách nhiệm hình sự): Về lý luận, lỗi được hiểu là thái độ tâm lý chủ quan của người phạm tội đối với hành vi và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Pháp nhân là một thực thể có tính pháp lý, do pháp luật định ra và được hợp thành bởi các cá nhân thành viên. Bản thân pháp nhân không thể có bất kỳ nhận thức hay thái độ tâm lý như một con người. Do đó, pháp nhân không thể có lỗi và vì vậy không thể đặt vấn đề trách nhiệm hình sự với pháp nhân. Chỉ có các cá nhân thành viên mới có nhận thức, ý chí và tâm lý, mới hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thứ ba, về hành vi khách quan: Như đã phân tích ở trên, pháp nhân là thực thể pháp lý, do đó, bản thân pháp nhân không thể tự toan tính, đặt âm mưu thực hiện tội phạm. Chỉ có những con người cụ thể trong pháp nhân đó mới có khả năng bàn bạc, chuẩn bị và tiến hành các hành vi phạm tội. Mọi nghị quyết, quyết định của pháp nhân là kết quả của sự thống nhất ý chí của các cá nhân thành viên chứ không phải là sự mong muốn của bản thân pháp nhân.
Thứ tư, việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân sẽ không phù hợp với nguyên tắc cá thể hóa hình phạt của luật hình sự. Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt đòi hỏi mỗi cá nhân phạm tội đều phải bị xử lý tùy thuộc vào mức độ họ tham gia thực hiện tội phạm. Trong khi đó, việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân sẽ dẫn đến không có sự phân biệt giữa cá nhân tham gia thực hiện tội phạm với cá nhân không tham gia thực hiện tội phạm. Thậm chí, trước đó, có những cá nhân đã phản đối hành vi vi phạm của pháp nhân nhưng theo nguyên tắc này vẫn phải chịu chung lỗi với cá nhân vi phạm và cùng bị áp dụng hình phạt. Điều này không bảo đảm sự công bằng trong xử lý.
Thứ năm, điểm đáng lưu ý là việc đặt ra trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân sẽ không loại trừ trách nhiệm hình sự đối với cá nhân. Trong trường hợp này, cá nhân phạm tội sẽ phải chịu “trách nhiệm kép”. Điều này không phù hợp với nguyên tắc của tư pháp hình sự tiến bộ trên thế giới “không xử lý hai lần về cùng một hành vi phạm tội”.
Thứ sáu, những vướng mắc hiện nay trong việc xử lý đối với pháp nhân là do khâu tổ chức thực hiện chứ không phải do thiếu cơ sở pháp lý. Với các cơ chế pháp luật hiện hành, chúng ta đã có đầy đủ các chế tài (chế tài dân sự, chế tài hình sự) để xử lý các pháp nhân vi phạm như: phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; bồi thường thiệt hại… Điều này cũng phù hợp với kinh nghiệm xử lý của nhiều nước. Ví dụ: Sắc luật ngày 8/6/2001 của Italia quy định áp dụng các chế tài trách nhiệm hành chính đối với tội phạm tham nhũng, lừa đảo, lừa đảo qua mạng… Luật số 35 ngày 6/3/2006 của Liên bang Nga về chống khủng bố quy định: Tổ chức bị coi là tổ chức khủng bố phải bị giải thể, bị cấm hoạt động theo quyết định của Tòa án…, đây thuần túy là những hình thức trách nhiệm dân sự.
Từ những cơ sở phân tích trên, chúng tôi cho rằng, ở nước ta, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân chưa có căn cứ thuyết phục cả về lý luận và thực tiễn, đặc biệt là không phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Tiếp tục thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, vấn đề xóa bỏ hoặc chỉ giữ lại rất ít tội có hình phạt tử hình đã trở thành xu hướng chung của thế giới. Quá trình hoàn thiện chính sách hình sự ở nước ta cũng đi theo xu hướng chung đó và được triển khai một cách nghiêm túc, kiên trì trong các lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự. Nếu như Bộ luật hình sự năm 1985 (qua bốn lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997) có 44 điều luật quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm cụ thể (chiếm 20,37%), thì đến Bộ luật hình sự năm 1999 giảm xuống còn 29 điều (chiếm 11%) và sau lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự vào năm 2009 giảm xuống còn 22 điều (chiếm trên 8%).
Tuy vậy, thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự cũng cho thấy, mỗi năm số người bị kết án tử hình và đưa ra thi hành án vẫn còn cao. Đối với những người này, cơ hội phục thiện, tái hòa nhập cộng đồng không còn được đặt ra nữa. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tiếp tục yêu cầu “Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hiện trên thế giới có 97 quốc gia bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình; 8 quốc gia chỉ áp dụng đối với tội phạm chống hòa bình; 35 quốc gia có quy định về hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế; một số nước còn duy trì hình phạt tử hình (Nhật Bản, Trung Quốc, Inđônesia …) thì việc áp dụng cũng rất hạn chế, chỉ trong một số nhóm tội đặc biệt như xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, một số tội phạm về ma túy. Liên bang Nga chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tính mạng của con người.
Để tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, chúng tôi đồng tình với quan điểm của Ban soạn thảo và đề xuất tiếp tục rà soát, quy định cụ thể, chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình. Cụ thể theo hướng:
Về loại tội: Chỉ nên áp dụng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm tội xâm hại hoặc đe dọa xâm hại sự tồn vong của Nhà nước, chế độ; các tội xâm phạm tính mạng con người, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển của giống nòi; tội phạm tham nhũng; các tội xâm hại an ninh và hòa bình thế giới.
Về tính chất, quy mô của hành vi phạm tội: Chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với một số trường hợp phạm tội có tổ chức với quy mô lớn; có sự câu kết chặt chẽ giữa các băng, nhóm tội phạm trong việc thực hiện tội phạm hoặc một số trường hợp phạm tội đơn lẻ nhưng hành vi phạm tội có tính bạo lực dã man, tàn bạo, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nhiều người, gây bất bình lớn trong xã hội.
Về đối tượng: Chỉ nên áp dụng đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm, những kẻ tái phạm nguy hiểm hoặc quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng.
Có thể nói, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong các chế tài hình sự. Thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình trong nhiều thập kỷ qua đã đem lại những tác động tích cực nhất định trong đấu tranh chống tội phạm, nhưng mặt khác của hình phạt này là sẽ tước đi quyền sống (quyền cơ bản, quan trọng nhất của con người); hạn chế một trong những mục đích quan trọng của hình phạt là giáo dục, cải tạo, phục thiện đối với người bị kết án; tước bỏ cơ hội tái hòa nhập cộng đồng của họ. Việc sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta và xu hướng chung của các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới. Tuy nhiên, đây là công việc quan trọng, phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, thận trọng, dựa trên kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Những tiêu chí nhằm hạn chế hình phạt tử hình như phân tích trên cũng đang được nhiều quốc gia trên thế giới vận dụng để hoàn thiện Luật hình sự.
Tháo gỡ những bất cập của Bộ luật hình sự hiện hành liên quan đến những tình tiết có tính “định tính”
Kết quả rà soát Bộ luật hình sự hiện hành cho thấy có nhiều tình tiết quy định có tính “định tính”. Có thể kể đến các tình tiết như: Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (184 điều); phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng khác, rất nghiêm trọng khác, đặc biệt nghiêm trọng khác (19 điều); gây thiệt hại nghiêm trọng (2 điều); phạm tội gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản (28 điều); phạm tội với số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn (15 điều); môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng (3 điều); vật phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn (9 điều); đất có diện tích lớn, rất lớn, đặc biệt lớn hoặc tài sản có giá trị lớn, rất lớn, đặc biệt lớn (4 điều); vật phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn (9 điều); quy mô thương mại (2 điều)…
Tổng kết thực tiễn 14 năm thi hành Bộ luật hình sự phản ánh nhiều khó khăn, vướng mắc trong nhận thức, hướng dẫn và áp dụng các tình tiết nêu trên. Thực tế cho thấy, cùng một hành vi với tính chất và mức độ như nhau, nơi này thì truy cứu trách nhiệm hình sự, nơi khác lại không truy cứu; cùng hậu quả như nhau, nơi thì xử lý nặng, nơi khác lại xử lý nhẹ. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính thống nhất của pháp chế, đến nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của mọi cá nhân, công dân.
Nghiên cứu dự thảo Bộ luật hình sự cho thấy, mặc dù Ban soạn thảo đã quan tâm đến vấn đề này, song mới chỉ lượng hóa được một phần, vẫn còn nhiều điều luật quy định các tình tiết có tính định tính. Cụ thể: Đối với tình tiết phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (đã lượng hóa được 42 điều/184 điều, còn 142 điều chưa được xử lý); tình tiết phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng khác, rất nghiêm trọng khác, đặc biệt nghiêm trọng khác (đã lượng hóa được 10 điều/19 điều, còn 9 điều chưa được xử lý); tình tiết phạm tội với số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn (đã lượng hóa được 5 điều/15 điều, còn 10 điều chưa được xử lý); tình tiết gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản (đã lượng hóa được 3 điều/28 điều, còn 25 điều chưa được xử lý) và nhiều tình tiết mang tính định tính khác chưa được giải quyết.
Việc xây dựng dự án Bộ luật hình sự được tiến hành trong bối cảnh Quốc hội ban hành Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật định (Điều 14). Các tình tiết nêu trên liên quan trực tiếp đến việc xác định tội phạm hay không phải tội phạm, loại tội phạm. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với quá trình hoàn thiện dự thảo Bộ luật hình sự là phải rà soát để lượng hóa triệt để các tình tiết có tính định tính. Đây là cơ sở quan trọng để tháo gỡ vướng mắc của thực tiễn hơn chục năm qua, góp phần bảo đảm pháp chế thống nhất trong xử lý tội phạm.
Bộ luật hình sự là đạo luật có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật nước ta, liên quan trực tiếp đến hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và các quyền cơ bản của con người, của công dân. Việc sửa đổi Bộ luật hình sự phải thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, tháo gỡ những vướng mắc đặt ra qua thực tiễn và tiếp thu hợp lý kinh nghiệm nước ngoài phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta. Đạt được điều đó, Bộ luật hình sự sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế đất nước.