Thành phố Thủ Dầu Một là đô thị loại I Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định công nhận thành phố Thủ Dầu Một là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Dương.
Đường phố thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh: Quách Lắm/TTXVN |
Thành phố Thủ Dầu Một là trung tâm kinh tế, hành chính của tỉnh Bình Dương. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ Dầu Một có vị trí đặc biệt nằm trên trục đường hướng tâm đối ngoại của Thành phố Hồ Chí Minh với tuyến đường cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; là đô thị vệ tinh độc lập của đô thị hạt nhân vùng bao gồm các chức năng: Khu công nghệ cao, công nghiệp sạch có hàm lượng kỹ thuật cao; các tuyến, điểm du lịch quốc gia - quốc tế; trung tâm đào tạo của vùng; trung tâm dịch vụ cấp quốc gia, cấp vùng và là trọng điểm trong tam giác tăng trưởng Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Thủ Dầu Một - Thành phố Vũng Tàu với vai trò là động lực phát triển ở phía bắc của vùng.
Bên cạnh đó, Thành phố Thủ Dầu Một là đô thị có vai trò tạo sự liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh, là đô thị hạt nhân phát triển của tỉnh với các đô thị vệ tinh là trung tâm các huyện lỵ thông qua các tuyến đường liên tỉnh.
Hiện nay, Thành phố Thủ Dầu Một đã và đang nỗ lực phấn đấu và đạt được một số kết quả với cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ - công nghiệp; phát triển thành phố theo hướng văn minh - hiện đại, chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bảo đảm theo quy hoạch, từng bước phát triển đô thị theo hướng “xanh - sạch - đẹp - thông minh, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân”.
Mang tầm quan trọng trên, việc công nhận Thành phố Thủ Dầu Một là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Bình Dương sẽ tạo động lực quan trọng để Thủ Dầu Một phát triển theo đúng chương trình định hướng phát triển đô thị quốc gia và tỉnh Bình Dương.
Tu bổ di tích quốc gia chùa Tây Phương, Hà Nội Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì lập Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thống nhất chiều cao cầu vượt sông Văn Úc Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về hoạt động của các nhà máy đóng tàu bị ảnh hưởng của dự án xây dựng cầu vượt trên sông Văn Úc.
Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan thỏa thuận thống nhất với các doanh nghiệp đóng tàu có liên quan về chiều cao tĩnh không cầu vượt sông Văn Úc của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình để vừa đáp ứng yêu cầu hoạt động của các nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu và giao thông vận tải đường thủy trên địa bàn, vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, vận hành và hài hòa các yếu tố về kinh tế-kỹ thuật của dự án với quá trình khai thác lâu dài tiềm năng của sông Văn Úc.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát năng lực của các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển; trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phát triển tổng thể ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2290/QĐ-TTg ngày 27/11/2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Dự án xây dựng đoạn tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua Hải Phòng và tỉnh Thái Bình dài 29,7 km đường bộ (20,782 km thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng và 8,925 km thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình).
Trên đoạn tuyến từ Hải Phòng - Thái Bình sẽ có 8 cây cầu được xây dựng. Trong đó, có 2 cây cầu lớn nhất là cầu vượt qua sông Văn Úc dài gần 2 km và cầu vượt sông Thái Bình dài hơn 1 km.