Quyền Điều phối viên thường trú LHQ: Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, đầy trách nhiệm

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc phỏng vấn bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam về các nội dung liên quan đến Hội nghị và những đóng góp của Việt Nam đối với việc thực hiện các SDG.

Chú thích ảnh
Bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam. Ảnh tư liệu: TTXVN.

Xin bà cho biết quan điểm của Liên hợp quốc về tầm quan trọng của các Cam kết và Hành động Quốc gia mà Việt Nam sẽ đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh SDG sắp tới?

Những cam kết mà Việt Nam trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh SDG là minh chứng cho sự phát triển về con người, cũng như cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam đối với Chương trình Nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững - giữ vững lời hứa không để ai bị bỏ lại phía sau. Những cam kết và hành động của Việt Nam trong báo cáo SDG sắp tới là rất quan trọng.

Thứ nhất, là một trong những quốc gia đạt được tiến bộ khá tốt về SDG, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với các quốc gia khác.

Là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và là một trong những nền kinh tế hội nhập và tăng trưởng nhanh nhất, Việt Nam có thể sử dụng tiếng nói của mình một cách hiệu quả để đóng góp ý tưởng, thúc đẩy tăng cường đầu tư và đổi mới, nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững SDG.

Các cam kết, hành động của Việt Nam đối với các Mục tiêu Phát triển bền vững trong tương lai càng mạnh mẽ, thì càng có nhiều đối tác phát triển sẽ tích cực cung cấp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật để đẩy nhanh các Mục tiêu Phát triển bền vững, bao gồm cả việc giải quyết vấn để khủng hoảng khí hậu - trong lúc Việt Nam nằm trong 20 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tôi tin rằng, đến với Hội nghị Thượng đỉnh lần này, Việt Nam sẽ thể hiện tiến bộ mạnh mẽ của mình, cũng như phản ảnh những lĩnh vực mà các bạn còn chưa có nhiều tiến bộ như mong đợi.

Thực tế là Việt Nam hiện đang nhanh chóng trở thành một cường quốc về sản xuất pin năng lượng mặt trời, giảm sự lệ thuộc vào than đá, những nỗ lực về bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo nguồn nước sạch, chuyển đổi trong hệ thống giáo dục, giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính, cải thiện dinh dưỡng trẻ em… Đây là những ví dụ điển hình về các chỉ số phát triển đáng được quan tâm ngày nay, không chỉ vì đánh giá toàn cầu trong 7 năm tới - mà vì các quốc gia dẫn đầu trong các lĩnh vực này sẽ dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế, bảo vệ hành tinh và sự thịnh vượng cho người dân của mình.

Cam kết quốc gia đưa ra một lộ trình quan trọng để huy động sự tham gia và hỗ trợ từ tất cả các bên liên quan (cách tiếp cận toàn xã hội) và xuyên suốt các tổ chức của Chính phủ (cách tiếp cận toàn Chính phủ) ở tất cả các cấp, nhằm đẩy nhanh thành tựu SDG vào năm 2030.

Bà đánh giá thế nào về các nỗ lực, thành tựu cũng như các thách thức của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững trong thời gian qua?

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể ở nhiều mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững. Ví dụ, Việt Nam đã đạt tiến bộ lớn trong những mục tiêu liên quan đến xóa đói, giảm nghèo; quyền tiếp cận nước sạch và điều kiện vệ sinh; phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng cũng như tiếp cận công nghệ thông tin và Internet.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và những khủng hoảng khác đã cho thấy những dấu hiệu rằng tiến độ của một số mục tiêu đang có nguy cơ bị đảo ngược. Có thể kể đến như quản lý tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nước và đa dạng sinh học, chia sẻ năng lượng tái tạo…

Mặc dù Việt Nam có thể đạt được một số mục tiêu ở cấp quốc gia vào năm 2030, nhưng vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng miền và các nhóm dễ bị tổn thương (như dân tộc thiểu số, lao động nhập cư, người khuyết tật, thanh thiếu niên, người già và những nhóm khác) vẫn có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, những vấn đề vẫn tồn tại này đang bị che khuất so với mức trung bình toàn quốc.

Vấn đề hiện nay là vẫn còn một khoảng trống đáng kể về các số liệu giúp cho việc đánh giá và đo lường tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Việt Nam có tổng cộng 158 Mục tiêu Phát triển bền vững quốc gia, nhưng 1/4 trong số đó chưa có đủ dữ liệu. Chưa đầy 50% dữ liệu được công bố hàng năm và gần 50% dữ liệu chưa được phân tách một cách hữu ích để xác định ai bị ảnh hưởng nhiều nhất và ở đâu. Việc chia nhỏ dữ liệu theo giới tính, độ tuổi, địa điểm, dân tộc, trẻ em… là điều rất cần thiết.

Vì vậy, rõ ràng là Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện, đầu tư để đưa tất cả các SDG đúng theo lộ trình, nhằm đạt được tất cả các mục tiêu này vào năm 2030. Và điều đó sẽ không xảy ra, nếu không có sự thúc đẩy mạnh mẽ, cũng như đầu tư tài chính nhiều hơn nữa từ Chính phủ. Sự đầu tư này cũng không thể chỉ diễn ra trong một lần, mà cần được thực hiện thông qua một kế hoạch tài chính rõ ràng cho tới năm 2030.

Dựa trên báo cáo tính toán chi phí SDG của Liên hợp quốc (do tổ chức ESCAP thực hiện), Việt Nam cần đầu tư 11% GDP mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030 để có thể đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Việc xây dựng một Chiến lược tài chính SDG sẽ là chìa khóa cho vấn đề này. Trong khi việc huy động các nguồn tài chính bổ sung cho khí hậu và tài chính xanh là ưu tiên hàng đầu, thì việc giải phóng các nguồn lực hiện có, bao gồm nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nước, cũng không kém phần quan trọng.

Các đối tác và bạn bè của Việt Nam đều sẵn sàng hỗ trợ, do đó, điều cần thiết cần làm là tiếp tục đơn giản hóa các quy trình tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các khoản tài trợ - từ đó sẽ có thêm nguồn tài trợ đẩy nhanh việc đạt được SDG.

Trải qua 45 năm quan hệ đối tác và những đóng góp của Việt Nam cho Chương trình Nghị sự cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương của Liên hợp quốc trong thời gian qua, xin bà đưa ra đánh giá về vai trò, vị thế hiện nay của Việt Nam trên trường quốc tế?

Phải ghi nhận và đánh giá rất cao tư cách là một quốc gia thành viên năng động, phát triển và có giá trị của Việt Nam tại Liên hợp quốc trong suốt 45 năm qua:

Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc vào tháng 9/1977, ngay hai năm sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975. Trong 45 năm qua, Việt Nam đã chuyển đổi từ một quốc gia chỉ tiếp nhận sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, thành một quốc gia có năng lực ngày càng tăng, và đóng góp mạnh mẽ vào các Chương trình Nghị sự trong khu vực và trên toàn cầu.

Như đã được nêu trong Khuôn khổ hợp tác chiến lược chung giữa Liên hợp quốc tại Việt Nam và Chính phủ Việt Nam - Các cơ quan của Liên hợp quốc tại đây cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.

Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực và đầy trách nhiệm trong các tiến trình đa phương. Ngày nay, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Có thể kể đến vai trò tích cực trong việc gìn giữ hòa bình, là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Việt Nam đã chứng tỏ mình là một thành viên ngày càng tích cực của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả những đóng góp cho các hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Chương trình Nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Việt Nam xứng đáng được hoan nghênh với những cam kết kiên định đối với Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, cũng như mục tiêu hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, từ đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước theo hướng toàn diện, bền vững.

Với việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Liên hợp quốc mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong kế hoạch biến các cam kết nhân quyền thành hành động.

Liên hợp quốc rất hoan nghênh các cam kết của Việt Nam về việc củng cố quyền con người trên mọi lĩnh vực và khuyến khích các hành động tiếp theo của các bạn nhằm mục đích ưu tiên bình đẳng giới, ưu tiên quyền lợi của phụ nữ và quyền trẻ em, đồng thời tiếp tục bảo vệ tốt hơn nữa quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, không để ai bị bỏ lại phía sau…

Là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và là một trong những nền kinh tế mới nổi hội nhập và tăng trưởng nhanh nhất, Việt Nam có cả vị thế, quyền năng và nghĩa vụ đóng góp và tạo ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Hội nghị Thượng đỉnh là thời điểm để thế giới cùng nhau tăng tốc và chuyển đổi các cam kết nhằm ứng phó với các vấn đề cấp bách như nghèo đói, khủng hoảng khí hậu, phục hồi sau đại dịch COVID-19 và nhu cầu theo đuổi con đường công bằng và chính đáng mà SDG đã nêu rõ để hướng tới, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Rất nhiều việc có thể thực hiện được trong 7 năm rất quan trọng sắp đến.

Trân trọng cảm ơn bà!

V.Đ (TTXVN)
Việt Nam tham gia tích cực, chủ động và hiệu quả hơn vào công việc chung của LHQ
Việt Nam tham gia tích cực, chủ động và hiệu quả hơn vào công việc chung của LHQ

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ về sự kiện quan trọng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN