Quy trình thanh tra môi trường ra sao để tránh ảnh hưởng đến doanh nghiệp?

Vụ việc Phó cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường mất gần 400 triệu đồng trong quá trình đi thanh tra doanh nghiệp đã dấy lên lo ngại về sự minh bạch trong quá trình thanh, kiểm tra của đơn vị này.

Hiện nay quy định thanh tra doanh nghiệp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường được thực hiện ra sao? Báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Vy, Phó cục trưởng điều hành Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường - Tổng cục Môi trường về nội dung này.

Thưa ông, theo quy định, hoạt động thanh kiểm tra của Thanh tra Bộ, Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường hiện nay được thực hiện ra sao?

Theo quy định của Luật Thanh tra, Thanh tra Bộ có thẩm quyền thanh tra hành chính và Thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ; còn Tổng cục Môi trường được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về môi trường quy định tại Khoản 9, Điều 6 của Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/12/2012 của Chính phủ Quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường cũng là bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 07/2012/NĐ-CP.

Để hạn chế chồng chéo, Bộ TN&MT phân công Thanh tra Bộ thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước, Tổng cục Môi trường thanh tra việc chấp hành pháp luật về môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, doanh nghiệp.

Hai việc thanh kiểm tra này khác nhau ở chỗ, Thanh tra Bộ giúp Bộ đánh giá thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về môi trường của UBND cấp tỉnh; Tổng cục Môi trường đánh giá việc chấp hành pháp luật của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các địa phương.

Ông Hoàng Văn Vy, Phó cục trưởng điều hành Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường - Tổng cục Môi trường trao đổi với phóng viên.

Gần đây nhiều thông tin cho rằng hoạt động thanh tra về môi trường diễn ra quá nhiều gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Đúng là thời gian qua, doanh nghiệp phàn nàn có sự chồng chéo và thực tế hiện nay có các chồng chéo trong thanh kiểm tra về vấn đề môi trường. Nếu theo Luật Thanh tra thì ngay trong Bộ TN&MT cũng đã phát sinh chồng chéo. Thanh tra Bộ được giao chức năng thanh tra kiểm tra về hành chính còn Tổng cục Môi trường cũng được giao thanh tra hành chính về môi trường.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có Cục an toàn môi trường tiến hành kiểm tra về môi trường, rồi Sở TN&MT, Phòng TN&MT cấp huyện có thẩm quyền kiểm tra môi trường với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát môi trường kiểm tra theo pháp lệnh cảnh sát môi trường, không có kế hoạch thanh tra như cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến chồng chéo.

Để hạn chế việc thanh tra môi trường quá nhiều, lâu nay chúng tôi cũng hạn chế hoạt động thanh kiểm tra ảnh hưởng hoạt động bình thường của doanh nghiệp, quy định rõ một năm không thanh kiểm tra quá một lần. Hàng năm Bộ TN&MT cũng có kế hoạch thanh tra, địa phương lập danh sách đối tượng bị thanh tra gửi về Bộ TN&MT. Trên cơ sở đó, Bộ chỉ thực hiện thanh kiểm tra với cơ sở có quy mô lớn ở những vị trí nhạy cảm, thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và có quy mô xả thải lớn.

Trước ngày 25/11 hàng năm chúng tôi phải phê duyệt kế hoạch thanh tra của năm sau. Sau đó thì sở TN&MT mới căn cứ kế hoạch của Bộ và tránh ra, quy trình như vậy cũng hạn chế được sự chồng chéo. Tuy nhiên, cũng vẫn còn có những bất cập.

Thời gian tới Bộ sẽ có những sửa đổi như thế nào để công tác thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả hơn và có giám sát như thế nào đối với các cán bộ đi thanh kiểm tra để tránh tình trạng “hành” doanh nghiệp?

Trước đây có Nghị định 61 về hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp, tuy nhiên sau khi Luật Thanh tra 2010 có hiệu lực thi hành thì Nghị định đó bị bãi bỏ. Hiện nay, chúng ta đang thiếu một Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động thanh kiểm tra với doanh nghiệp nên hoạt động này vẫn chồng chéo. Trong các báo cáo chúng tôi đã có kiến nghị với cấp trên nhưng chưa được ban hành.

Thời gian tới Bộ đang thay đổi cơ cấu tổ chức, lựa chọn con người có năng lực, tư cách đạo đức tham gia quá trình thanh kiểm tra. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm phải có trọng tâm, trọng điểm. Bộ chỉ thực hiện đối với các cơ sở có quy mô xả thải lớn, những loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, những cơ sở hoạt động ở vị trí nhạy cảm về môi trường. 

Do môi trường luôn biến động, nên tần xuất thanh, kiểm tra dự kiến cách 1 năm sẽ thanh, kiểm tra lại đối với những địa phương nóng về môi trường, những địa phương còn lại, cách 2 năm hoặc lâu hơn sẽ thanh, kiểm tra lại. Chính phủ cần có quy định về hoạt động thanh tra, kiểm tra chung cho tất cả các lực lượng mới giải quyết được vấn đề chồng chéo. Bộ cũng sẽ tăng cường phân cấp cho địa phương.

Về giám sát cán bộ đi thanh tra, Thanh tra Chính phủ có quy định đoàn thanh tra phải có quy chế hoạt động của đoàn thanh tra và ngoài đoàn thanh tra còn có đoàn giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Tất cả vấn đề phát sinh thì đoàn giám sát sẽ xác minh thông tin liên quan và tiến hành kiểm tra, đảm bảo hoạt động của đoàn thanh tra đúng quy định.

Sau khi đoàn thanh tra của Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường được thành lập thì cũng có các đoàn giám sát của Tổng cục Môi trường được thành lập.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang/Báo Tin Tức
Khởi tố vụ án Cục Phó Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường mất gần 400 triệu đồng
Khởi tố vụ án Cục Phó Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường mất gần 400 triệu đồng

Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Xuân Quang, Cục phó Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường) trình báo bị mất trộm gần 400 triệu đồng, chiều 2/10, nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Tân An (Long An) cho biết, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án trộm cắp tài sản để tiếp tục điều tra làm rõ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN