Ngày nước thế giới 22/3:

Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước trong kỷ nguyên số

Hưởng ứng Ngày nước thế giới 22/3, chiều 2/3, tại Hà Nội, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị quốc tế “Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước trong kỷ nguyên số”.

Chú thích ảnh
Khu vực Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa: Thế Anh/TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia cho biết, hòa chung cùng xu thế chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính Phủ nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực tài nguyên môi trường nói riêng, Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước trên nền tảng số sẽ thúc đẩy an ninh tài nguyên nước quốc gia, chủ động về nguồn nước cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong mọi tình huống. Đồng thời, Quy hoạch bảo đảm phân bổ, điều hòa tài nguyên nước một cách công bằng, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Do đó, Hội thảo là dịp để các công ty, tổ chức, các nhà quản lý của Việt Nam, trong khu vực và quốc tế cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ cơ hội hợp tác và tìm ra các giải pháp mới nhằm tăng cường hiệu quả công tác quy hoạch và điều tra tài nguyên nước trong thời đại công nghệ 4.0.

Bàn về quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình và lưu vực sông Cửu long, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia cho biết, các Quy hoạch đã xem xét 5 nhóm vấn đề lớn cần giải quyết như: Tài nguyên nước; quản lý; khai thác, sử dụng; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra.

Đề xuất các giải pháp thực hiện lập quy hoạch, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, thời gian tới, Quy hoạch cần hướng tới phục hồi nguồn nước, cảnh quan môi trường; khắc phục hạ thấp lòng dẫn, mực nước ở Đồng bằng sông Hồng; vận hành liên hồ chứa; dòng chảy xuyên biên giới; bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Đáng kể với giải pháp hướng tới phục hồi nguồn nước, cảnh quan môi trường (ví dụ: cải tạo, phục hồi sông Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải, Ngũ Huyện Khê bằng các giải pháp công trình và phi công trình).

Theo đó, giải pháp công trình như: Cải tạo hệ thống công trình đầu mối gồm, cống Vân Cốc, Đập Đáy và nạo vét sâu toàn bộ lòng dẫn sông Đáy; xây dựng cống Vân Cốc thay thế cống Vân Cốc cũ và Đập Đáy, nạo vét sông Đáy từ Vân Cốc đến Phủ Lý. Giải pháp phi công trình như: Kiểm soát các nguồn thải, không để tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước các sông Nhuệ, Đáy, Cầu, Thương nghiệm trọng hơn. Kết hợp các giải pháp phòng, chống, khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước, đáy sông và chuyển nước giữa các sông để khôi phục chất lượng nước, dòng chảy, cảnh quan môi trường trên các sông. Đồng thời, sớm hoàn thành các nhiệm vụ điều tra đánh giá và đề xuất cơ chế, chính sách cải tạo, phục hồi các dòng sông Nhuệ - Đáy, Ngũ Huyện Khê, Bắc Hưng Hải bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt.

Bàn về giải pháp đảm bảo hạ tầng thông tin dữ liệu và chuyển đổi số trong quy hoạch điều tra tài nguyên nước, Tiến sỹ Thân Văn Đón, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu tài nguyên nước cho biết, trước hết Quy hoạch cần ứng dụng quản trị kết quả điều tra, lập kế hoạch, quản lý tiến độ; ứng dụng các app di động dành cho điều tra viên ngoài thực địa nhằm giảm thời gian thu thập dữ liệu ngoài thực địa; rút ngắn được thời gian tổng hợp tài liệu và công tác văn phòng (từ 1 tháng xuống còn 3-5 ngày, mà vẫn đảm bảo độ chính xác và tin cậy); giảm được các chi phí mua sắm thiết bị truyền thống trong công tác thực địa như nhật ký, GPS, bản đồ… Tăng hiệu quả và độ tin cậy của dữ liệu khảo sát; phục vụ đắc lực hiệu quả cho công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện dự án.

Ngoài ra, Quy hoạch cần ứng dụng hệ thống quản lý điều hành tác nghiệp tài nguyên nước nhằm hỗ trợ đánh giá, dự báo, cảnh báo thực hiện tối đa công tác tự động hóa, vận hành thông minh từ khâu xử lý đầu vào dự báo; hỗ trợ ra quyết định kết nối các mô hình toán, xuất bản bản tin tự động trên các lưu vực sông; làm giảm đáng kể thời gian thực hiện, tính toán, biên tập bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước…

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể như: Tích hợp mô hình và dữ liệu lớn trong mô phỏng hệ thống tài nguyên nước; bảo vệ nước dưới đất ở một số đô thị lớn; các giải pháp trữ nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long… nhằm tăng cường hiệu quả công tác quy hoạch và điều tra tài nguyên nước trong kỷ nguyên số.

Diệu Thúy (TTXVN)
Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030: Ưu tiên bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt
Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030: Ưu tiên bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt

Ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1622/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN