Quy hoạch bán đảo Sơn Trà: Tiếp tục lắng nghe ý kiến chuyên gia để điều chỉnh hợp lý nhất

Ngày 30/5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) tổ chức tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà” nhằm lắng nghe ý kiến các chuyên gia về vấn đề này.

Quang cảnh tọa đàm.

Người bảo giữ, người nói không


Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, việc ban hành quy hoạch du lịch bán đảo Sơn Trà làm đúng quy trình, đã lấy ý kiến của các nhà khoa học, cũng như sự cho phép của Chính phủ.


Trước đây, bán đảo Sơn Trà do thành phố Đà Nẵng quy hoạch; tuy nhiên khi xác định bán đảo Sơn Trà là khu du lịch quốc gia nên theo Luật Du lịch, việc quy hoạch này do Bộ VHTTDL thực hiện.


Trước khi có bản quy hoạch của Bộ, Đà Nẵng đã cấp phép xây dựng trên 5.000 phòng, trong khi quy hoạch của Bộ VHTTDL giao cho Tổng cục Du lịch thực hiện quy định mức 1.600 phòng. Trong thời gian qua, một số ý kiến góp ý cho rằng nên giữ nguyên hiện trạng, không xây mới ở bán đảo Sơn Trà. Đây là một việc phức tạp, cần được xem xét thấu đáo. Do đó, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ VHTTDL và thành phố Đà Nẵng vẫn sẽ tổ chức các buổi tọa đàm nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia và các hiệp hội về việc quy hoạch bán đản Sơn Trà.


Trình bày tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Đạo Bảo Cầm, Chủ nhiệm Đề án quy hoạch du lịch trên bán đảo Sơn Trà (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch – Tổng cục Du lịch) cho biết, bán đảo Sơn Trà đã được quy hoạch với mục tiêu phát triển du lịch bền vững; khai thác hợp lý các thế mạnh, giá trị tài nguyên của Sơn Trà; gắn kết Sơn Trà với các điểm du lịch khác; gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh quốc phòng, kinh tế đất nước.


Trong khi đó, phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc giữ nguyên bán đảo Sơn Trà.


Ông Vinh cho rằng, quy hoạch du lịch bán đảo Sơn Trà công bố ngày 15/2/2017, thì 2 tuần sau đã phá rừng xây dựng khách sạn trên bán đảo Sơn Trà. Do đó, để phát triển du lịch bền vững bán đảo Sơn Trà, ông Vinh cho rằng, cần khảo sát lại toàn bộ tài nguyên bán đảo Sơn Trà; kiểm tra việc sử dụng và khai tác đất, rừng, mặt nước; thực trạng hạ tầng và có dự báo về sự biến đổi các nguồn tài nguyên của bán đảo Sơn Trà; xây dựng quy hoạch hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành khu dự trữ sinh quyền thế giới trình UNESCO công nhận như mô mình ở Cù Lao Chàm của Hội An…


“Chúng tôi đề nghị không xây dựng thêm ở bán đảo Sơn Trà và giữ nguyên như hiện nay để bảo vệ lá phổi xanh của Đà Nẵng”, ông Vinh kiến nghị.


Ông Nguyễn Thành Tiến, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, đại diện của phía thành phố Đà Nẵng, cho biết: Tất cả các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng sẽ xem xét một cách thấu đáo, lắng nghe các ý kiến của nhà khoa học và báo cáo Chính phủ; còn riêng về kiến nghị giữ nguyên hiện trạng, phía Đà Nẵng cho rằng không phù hợp. Vì nếu không tiếp tục xây dựng, Đà Nẵng sẽ thiếu cơ sở lưu trú cho khách du lịch.


“Để đón được 15 triệu lượt khách lưu trú/năm đến năm 2030 theo công suất buồng thực tế, thành phố Đà Nẵng cần phải có gần 58.000 buồng phòng. Đến nay, tại khu vực bán đảo Sơn Trà đã có 253 buồng phòng của một số dự án đã đưa vào hoạt động, một số dự án đang tiến hành xây dựng, do đó việc kiến nghị giữ nguyên hiện trạng là chưa phù hợp”, đại diện này UBND TP.Đà Nẵng khẳng định.


Các chuyên gia nói gì?


Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, quy hoạch là chính sách hoạch định cho tương lai, vấn đề quan trọng là từng dự án triển khai ra sao. Bởi thực tế, các dự án dù đã có quy hoạch vẫn vi phạm như tỉnh Quảng Ninh vẫn lấp biển xây dựng đô thị. Vấn đề quan trọng là phát triển du lịch phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Không một khu du lịch nào mà không cần phải có điểm dừng chân, lưu trú.


Do đó, thành phố Đà Nẵng cần  xem xét từng dự án, nếu không phù hợp thì điều chỉnh. Thực tế, các dự án vừa qua triển khai ở khu vực phía tây- là nơi có cây cối xanh tốt, trong khi khu phía đông khô cằn thì chưa thấy đầu tư. Vẫn biết nhà đầu tư phải tối đa hóa lợi nhuận nhưng không thể bằng mọi giá. Do đó, phải khảo sát lại từng dự án và xem xét mức độ cụ thể tác động ra sao tới môi trường. “Việc Tổng cục du lịch điều chỉnh quy hoạch từ hơn 5.000 phòng xuống mức 1.600 phòng đã là quyết định khó khăn và theo hướng bảo vệ môi trường”, ông Vũ Thế Bình cho biết.


Cùng quan điểm này, ông Phan Văn Trường, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Đà Nẵng cho rằng: Nên có điều chỉnh cụ thể tại từng dự án, đi đôi giữa phát triển và bảo tồn. Thực tế hiện nay, phía tây thì không xây dựng trong khi phía đông là rừng già thì xây dựng nhiều công trình. “Tôi đề nghị nghiên cứu lại quy hoạch theo hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn sinh thái”, ông Phan Văn Trường cho biết.


Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Cảnh quan của bán đảo Sơn Trà cần bảo vệ. Tuy nhiên, từng là nhà đầu tư, ông Vạn khẳng định quan trọng là dự án triển khai. Thực tế có hiện tượng chính quyền chạy theo nhà đầu tư dẫn tới quy hoạch bị vỡ. Do đó, quan trọng xem lại từng dự án từng với mật độ, kiến trúc, quy mô như thế nào.


Ông Phạm Trung Lương, chuyên gia du lịch cho rằng, khi xây dựng quy hoạch khu du lịch bán đảo Sơn Trà, đơn vị lập đã “thoát ly” với quy hoạch cũ nên mới đề xuất mức 1.600 phòng, các dự án đều dưới cốt 150m (trong khi cốt trần khống chế là 200m). Việc vi phạm quy hoạch hay không là ở dự án. Do đó, để khách quan, Bộ VHTTDL và thành phố cho rà soát lại và mời chuyên gia độc lập xác định bảo tồn thì bảo tồn ở đâu và bảo tồn như thế nào, khu vực nào được phép xây dựng.


Kết luận buổi tọa đàm, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng: Đây là vấn đề đặt ra cho thành phố Đà Nẵng, nhất là với dự án đã được cấp phép. Do đó, thời gian tới, Bộ VHTTDL và thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức tiếp tọa đàm tại Đà Nẵng để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia địa phương để có phương pháp điều chỉnh hợp lý nhất.


Bài và ảnh: Xuân Cường/Báo Tin Tức
Đại biểu Quốc hội: Lợi ích nhất thời sẽ hủy hoại bán đảo Sơn Trà
Đại biểu Quốc hội: Lợi ích nhất thời sẽ hủy hoại bán đảo Sơn Trà

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, quy hoạch bán đảo Sơn Trà không chỉ là vấn đề về môi trường mà còn liên quan đến tài nguyên thiên nhiên. Đây là tài sản hết sức quý báu, nếu khai thác và phục vụ lợi ích nhất thời, có thể 5 năm, 10 năm tới sẽ phá hỏng sự nguyên vẹn, sự nguyên sơ độc đáo của bán đảo này; thậm chí, ở góc độ nào đó, sẽ dẫn đến hủy hoại tài sản thiên nhiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN