Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 21/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Cảnh vệ. Dự thảo Luật Cảnh vệ gồm 6 chương, 36 điều.
So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, dự thảo Luật đã bổ sung 2 chương, 15 điều; đồng thời đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tại các điều 5, 6, 15, 19 và 34 của dự thảo Luật.
Tại phiên họp, nhiều đại biểu đã thảo luận, góp ý về: Sự cần thiết ban hành Luật Cảnh vệ; sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ; huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ...
Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội chiều 21/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Cần thiết ban hành Luật Cảnh vệ Các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh vệ như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng: Việc ban hành Luật Cảnh vệ sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; mục tiêu trọng yếu của quốc gia; các sự kiện quan trọng trong và ngoài nước.
Cơ bản đồng tình với các nội dung trong dự thảo Luật Cảnh vệ, đại biểu Dương Văn Thông (đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh: Việc ban hành Luật Cảnh vệ là cần thiết, nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005. Đặc biệt, việc xây dựng Luật Cảnh vệ vừa để đảm bảo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ và xây dựng lực lượng cảnh vệ thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cần quy định cụ thể việc sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ Thảo luận về việc sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ (Điều 23), nhiều ý kiến cho rằng: Việc nổ súng liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Vì vậy, việc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Dự thảo Luật Cảnh vệ quy định nổ súng “để tiêu diệt” đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ là chưa phù hợp với nguyên tắc “người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra” và cần bảo đảm điều kiện về “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Để kịp thời ngăn chặn hành vi này, nhiều khi chỉ cần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ hoặc bắn bị thương, vì nếu đối tượng còn sống sẽ thuận lợi hơn trong công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thông thảo luận tại hội trường. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Đại biểu Dương Văn Thông (đoàn Bắc Giang) cho rằng, nổ súng là hành vi cần thiết được quy định trong dự thảo Luật Cảnh vệ, tuy nhiên cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn để đảm bảo quyền thực thi nhiệm vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ, vừa không vi phạm quyền con người, quyền công dân. Cũng theo đại biểu, dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về vành đai an toàn trong khu vực mục tiêu cảnh vệ, cũng như phân biệt giữa đối tượng là con người và khu vực sự kiện, dẫn đến quy định chưa thật đầy đủ, chặt chẽ.
Đại biểu ví dụ, pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có sự phân biệt trường hợp nổ súng khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức thì theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền; khi thi hành độc lập thì theo một số nguyên tắc. Trong khi đó, dự thảo Luật Cảnh vệ chưa quy định rõ hai trường hợp trên, mà chỉ quy định chung chung, dẫn đến cách hiểu là trong Luật Cảnh vệ không có trường hợp thi hành nhiệm vụ có tổ chức, mà chỉ thi hành độc lập.
Ngoài ra, đại biểu Thông cho rằng điểm c của điều này mới chỉ quy định lực lượng Cảnh vệ được nổ súng để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ. Nếu áp dụng vào thực tế có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên phân biệt cụ thể việc tấn công trực tiếp bằng vũ khí nào và việc sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vũ khí "nóng" hay vũ khí thô sơ có trực tiếp đe dọa đến tính mạng con người, đe dọa đến khu vực sự kiện hay không.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị dự thảo Luật này cần quy định theo hướng phân biệt đối tượng cảnh vệ nổ súng để bảo vệ yếu nhân; nổ súng để bảo vệ sự kiện khu vực cảnh vệ; nổ súng khi thực hiện công vụ có tổ chức và thực hiện độc lập.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Hồ Văn Thái thảo luận tại hội trường. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Về nội dung này, đại biểu Hồ Văn Thái (đoàn Kiên Giang) cho rằng ở điểm c, khoản 2, Điều 23, dự thảo Luật nêu: “Để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ”, mặc dù các điều, khoản này quy định việc nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc theo quy định hiện hành của pháp luật; nhưng theo đại biểu quy định như vậy là chưa phù hợp với Điều 21 của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cũng như với quy định của pháp luật hiện hành là: Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra và bảo đảm phòng vệ chính đáng hoặc tính cấp thiết theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Theo dự thảo, đối tượng đang có hành vi chứ chưa có hành động, để kịp thời ngăn chặn các hành vi đó nhiều khi chỉ cần sử dụng những biện pháp nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ hoặc bắn bị thương. Nếu đối tượng còn sống sẽ thuận lợi hơn trong công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc kỹ điểm c, khoản 2, Điều 23.
Giải trình về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, ý kiến của các đại biểu Quốc hội là hợp lý và sẽ tiếp thu, chỉnh lý điểm c, khoản 2, Điều 23 của dự thảo Luật về trường hợp nổ súng, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng Cảnh vệ, để đảm bảo quyền công dân và tạo điều kiện cho lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ.
Tuân thủ các quy định của pháp luật Góp ý về quy định huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ (Điều 24), nhất là về thẩm quyền trưng dụng, nhiều đại biểu cho rằng: Theo quy định của Hiến pháp thì trong một số trường hợp cần thiết chỉ Nhà nước mới có quyền trưng dụng tài sản.
Tại các điều 24, 25, 26 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản đã quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền, nội dung và trình tự quyết định trưng dụng tài sản; theo đó chỉ giao một số Bộ trưởng và Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền quyết định trưng dụng tài sản nhưng không được phân cấp thẩm quyền này.
Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được “thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện… theo quy định của pháp luật” là chưa rõ, dễ bị lạm dụng. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, các đại biểu đề nghị sửa lại trong trường hợp cấp bách, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được “trưng dụng tài sản, phương tiện… theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản”.
Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị làm rõ trường hợp cấp bách cần bổ sung quyền cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được trưng dụng tài sản, phương tiện và quy định cụ thể về trình tự, thời hạn trưng dụng; việc bàn giao, tiếp nhận tài sản, cơ chế báo cáo, giám sát, đồng thời cần bổ sung quy định về sửa đổi, bổ sung Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, thẩm quyền trưng dụng gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ và các cá nhân có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại khoản 2 lại quy định thêm cơ quan và người trưng dụng phải bồi thường; nhưng lại không quy định rõ cơ quan nào? Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ việc huy động người và trưng dụng tài sản, phương tiện cho thật sự rõ ràng. Theo đại biểu, thẩm quyền là cơ quan, tổ chức, con người phải được xác định rõ ràng để tránh sự lạm quyền.
Vấn đề này, đại biểu Dương Văn Thông (đoàn Bắc Giang) cho rằng, quy định như vậy là rất rộng và không có sự thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân ở khoản 15, Điều 15 và Điều 24 của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, chỉ có Bộ trưởng Công an hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có quyền trưng dụng tài sản trong các trường hợp nhất định. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Cảnh vệ thì gồm cả Tư lệnh Cảnh vệ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục trưởng Cục bảo vệ an ninh Quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, cảnh vệ. Đây là những quy định có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền công dân. Vì vậy, để tránh nguy cơ lạm quyền, Luật này cần quy định rõ ràng theo hướng thẩm quyền về các trường hợp cụ thể.
Giải trình nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu và sẽ chỉnh lý nội dung này theo hướng tuân thủ các quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
Theo chương trình, sáng 22/11, Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua: Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Đồng thời, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.