Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang, Phó trưởng Ban soạn thảo Nghị định cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2024, cùng với đó, sẽ có 10 nghị định có hiệu lực thi hành. Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng là nghị định quan trọng nhất để đưa Luật vào cuộc sống. Trong quá trình xây dựng Luật, Nghị định, Ban soạn thảo đã cố gắng cụ thể hóa những quy định, những vấn đề mới, tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên chưa đáp ứng được hết các mong mỏi, gỡ được hết vướng mắc.
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thành viên Ban soạn thảo Nghị định, thực hiện văn bản số 766/BNV-BTĐKT của Bộ trưởng Nội vụ về lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ban hành Kế hoạch số 395/KH-UBQLV về tổ chức lấy ý kiến góp ý đến các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Ủy ban.
Căn cứ Kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban đã nghiên cứu dự thảo và triển khai lấy ý kiến đến các đơn vị thành viên trực thuộc. Tính đến ngày 11/4, tất cả các tập đoàn, tổng công ty đã gửi văn bản góp ý kiến vào dự thảo Nghị định.
Tổng hợp ý kiến góp ý của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Ủy ban cho thấy, hầu hết đều cho rằng việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng là cần thiết nhằm quy định chi tiết các điều khoản được giao trong Luật đảm bảo Nghị định có hiệu lực thi hành đồng thời cùng với hiệu lực thi hành của Luật; đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý trong quá trình triển khi thực hiện Luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.
Cơ bản đồng tình, nhất trí với một số nội dung dự thảo Nghị định, song các ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng và phù hợp với thực tiễn; đảm bảo cải cách thủ tục hành chính về thi đua, khen thưởng và nghiên cứu để kế thừa những nội dung hợp lý của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng mà trong Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 không quy định chi tiết, cụ thể.
Các ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về hình thức tổ chức phong trào thi đua, nội dung tổ chức phong trào thi đua, tập thể không thuộc đối tượng tặng Cờ thi đua, về khen thưởng người đứng đầu đơn vị gắn với kết quả thành tích đạt được của tập thể, về khen thưởng thường xuyên, khen thưởng chuyên đề, khen thưởng đột xuất để làm điều kiện, tiêu chuẩn trình xét khen thưởng cấp Nhà nước, tỷ lệ % các tập thể tham gia cụm, khối thi đua được xét tặng Cờ thi đua cấp bộ, cấp tỉnh.
Hầu hết các đơn vị thành viên thuộc các tập đoàn, tổng công ty đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố Trung ương đều tham gia cụm, khối thi đua do UBND tỉnh, thành phố tổ chức. Do vậy, cần quy định cụ thể về đối tượng xét Cờ thi đua của Chính phủ cho tập thể vừa tham gia phong trào thi đua do bộ, ban, ngành tổ chức hoặc phân cấp, ủy quyền cho các tập đoàn, tổng công ty tổ chức vừa tham gia cụm, khối thi đua do UBND tỉnh, thành phố tổ chức.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng đánh giá cao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chủ động lấy ý kiến doanh nghiệp, có báo cáo tổng hợp phản ánh đúng tính chất tình hình công tác thi đua khen thưởng diễn ra trong thời gian qua và có những “điểm nghẽn” mà nghị định cần giải tỏa. Theo ông, công tác thi đua khen thưởng bao hàm đối tượng rộng, quy trình thực hiện phải chặt chẽ, khen thưởng phải trúng, đúng, có sức khích lệ cao, đánh giá tích cực, thực chất mỗi cá nhân, tổ chức được khen thưởng.
Đồng ý cơ bản với nội dung của Nghị định, ông Phòng cho rằng, các quy định phải rõ ràng, dễ thực hiện, quản lý, kiểm tra được, khỏa lấp các khiếm khuyết trong công tác thi đua, khen thưởng. Công tác thi đua, khen thưởng là nhiệm vụ của toàn xã hội, bất kỳ công dân nào, cá nhân nào phát hiện thấy cá nhân, hiện tượng điển hình tiên tiến, sự việc tốt đều có thể đề xuất khen thưởng. Các hình thức khen thưởng đều cần được trân trọng.
Đánh giá cao Ban soạn thảo đã dành một chương về xét tôn vinh trao tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, ông đề nghị dự thảo cần làm rõ hơn vai trò của các tổ chức kinh tế - xã hội trong chủ động đề xuất, đề nghị, tham mưu khen thưởng, bổ sung điều về trách nhiệm của tổ chức kinh tế - xã hội trong việc chủ động đề xuất tham mưu khen thưởng.
Nhấn mạnh “cộng đồng doanh nghiệp mong được khen trúng, khen đúng, theo ông, những nỗ lực của doanh nhân phấn đấu cho nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng cần được ghi nhận và tôn vinh một cách phù hợp. Gần 900 nghìn doanh nghiệp đang đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước, khu vực này cần được tính đến một cách đầy đủ.
Ông đơn cử, chúng ta đang thực hiện tuyến trình đề nghị khen thưởng theo bộ quản lý ngành, một doanh nghiệp có thể đầu tư kinh doanh tại nhiều địa bàn khác ngoài nơi đặt trụ sở chính. Do vậy, việc trình khen thưởng cần thực hiện theo hướng ở đâu trình cũng được, miễn là trình trúng, đúng để có cơ sở quyết định đúng.
Về vấn đề này, ông Phạm Huy Giang cho biết, quy định về tuyến trình hiện đã mở rộng nhiều, doanh nghiệp lập thành tích ở đâu, nơi đó có thể đề nghị và khen thưởng.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre Trần Quang Tâm nêu thực tế, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp cùng lúc tham gia cụm thi đua tại địa phương và ngành dọc, hàng năm được xét Cờ thi đua của UBND theo cụm thi đua tại tỉnh và Cờ thi đua của Chính phủ, của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo ngành dọc. Tuy nhiên, khi xét khen thưởng cấp nhà nước, chỉ được lấy danh hiệu thi đua và thành tích theo hệ thống ngành dọc làm căn cứ xét khen thưởng.
Vì vậy, công ty đạt thành tích và được khen thưởng khi tham gia khối thi đua của tỉnh nhưng lại chưa được chấp nhận làm căn cứ trình xét khen thưởng cấp nhà nước, trong khi việc ghi nhận kết quả khen thưởng này là toàn diện các mặt của đơn vị. Điều này chưa khuyến khích, chưa tạo được động lực cho doanh nghiệp ngành dọc đóng trên địa bàn tham gia phong trào thi đua do tỉnh phát động.
Ông đề nghị dự thảo Nghị định bổ sung quy định chấp thuận các hình thức khen thưởng của UBND tỉnh cho các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn có thành tích tiêu biểu, xuất sắc dẫn đầu cụm khối thi đua của tỉnh làm căn cứ trình xét khen thưởng cấp nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm động lực ra sức thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.