Trình bày Báo cáo, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Một số ý kiến nhất trí với quy định như dự thảo Luật, chỉ khen thưởng với đối tượng tham gia hai cuộc kháng chiến.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, ngày 29/3/2022, Bộ Chính trị đã có Kết luận về khen thưởng thành tích kháng chiến tại Thông báo số 11-TB/TW. Thể chế hóa Kết luận của Bộ Chính trị, khoản 1 Điều 96 dự thảo Luật đã quy định “Nhà nước tiếp tục xem xét, thực hiện, hoàn thành khen thưởng thành tích kháng chiến trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đối với những cá nhân, tập thể, gia đình đủ điều kiện, tiêu chuẩn”. Đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện quy định này.
Về danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” quy định ở Điều 66, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ như Luật hiện hành, theo đó “nhạc sĩ” và “phát thanh viên” là đối tượng được xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu về việc giữ quy định hiện hành.
Về vấn đề xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép được chỉnh lý Điều 93 của dự thảo Luật theo hướng: Bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng. Quy định cụ thể hơn về các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước; chỉnh lý quy định cụ thể về nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về vấn đề xử lý vi phạm.
Không nên cứng nhắc trong xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú
Phát biểu góp ý tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) bày tỏ ủng hộ quy định mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. Việc thêm một đối tượng, thêm một lĩnh vực được đưa vào xét tặng danh hiệu này sẽ tạo thêm động lực cho những nghệ sĩ hoạt động và cống hiến trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng cho rằng, không nên quá cứng nhắc trong việc quy định điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú đối với nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, soạn giả. Bởi lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học là những lĩnh vực có tính sáng tạo nghệ thuật cao. “Họ không chỉ đơn thuần là người sáng tác, mà còn là những nghệ sĩ đích thực với những tác phẩm không thể nào quên trong lòng khán giả”, đại biểu này nhấn mạnh.
Về hình thức khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đồng tình cao về việc bổ sung, tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang. Đó là sự ghi nhận, trân trọng công lao to lớn của Đảng, Nhà nước, của dân tộc ta đối với lực lượng thanh niên xung phong đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta và có nghĩa giáo dục rất sâu sắc.
Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn khen thưởng thanh niên xung phong vẻ vang với người có thời gian tại ngũ 2 năm trở lên là phù hợp với đề xuất của Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam. Tuy nhiên, do thời gian đã lâu, việc xác minh hồ sơ gốc gặp nhiều khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ quy định hồ sơ, thủ tục cho phù hợp, tạo điều kiện cho các thanh niên xung phong được nhận danh hiệu cao quý này.
Dự thảo Luật đảm bảo tính bao quát toàn diện, chính xác, công bằng, bình đẳng
Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến nay, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự án Luật Thi đua, khen thưởng đã được sửa đổi căn bản, toàn diện với 96 điều. Trong đó, có tới 88 điều làm mới và được sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý, giữ nguyên 7 điều. Dự án luật thể hiện rất rõ 4 chính sách: Hoàn thiện về hệ thống thi đua; hệ thống khen thưởng; về chế định, thẩm quyền phân cấp; hoàn thiện những quy định về cải cách hành chính cũng như về hồ sơ thi đua, khen thưởng.
Dự án Luật bám sát nguyên tắc, yêu cầu sửa đổi, vừa kế thừa, vừa đổi mới để đảm bảo được tính bao quát, toàn diện, chính xác, công bằng, bình đẳng và đáp ứng được yêu cầu về thực tiễn khoa học đại chúng, đúng với tính chất đặc thù của Luật Thi đua, khen thưởng. Dự án Luật cũng thể hiện rất đầy đủ, toàn diện về mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo được những yêu cầu đổi mới là thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó và có thành tích thì được khen thưởng, đồng thời hướng về những đối tượng đặc thù rất toàn diện, rất bao quát.
"Chúng tôi cũng sẽ tiếp thu một số ý kiến mà hôm nay các đại biểu nêu ra để làm sao chúng ta bao trùm được đầy đủ các đối tượng hơn nữa, nhất là đối tượng lao động trực tiếp", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều nhất, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, đã cân nhắc, xem xét, tiếp thu rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội về danh hiệu thi đua xã, phường, thị trấn tiêu biểu và đã cụ thể khung trong tiêu chuẩn về danh hiệu này trong luật. Trên cơ sở khung này, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Bà cũng mong muốn đại biểu Quốc hội đồng tình ủng hộ phương án khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, với lý giải "khi đã là một hình thức khen thưởng Nhà nước thì cần phải cao hơn so với hình thức Kỷ niệm chương của thanh niên xung phong do Trung ương Đoàn Thanh niên tặng cho lực lượng thanh niên xung phong".
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã nhiều lần được cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tổ chức xin ý kiến, tại phiên họp hôm nay tiếp tục nhận được nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện rõ chính kiến của đại biểu Quốc hội, có nhiều góp ý cụ thể xuất phát từ thực tiễn. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.