Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV:

Cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để bổ sung những vấn đề phát sinh

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 28/10, các đại biểu Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Bên lề Kỳ họp, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã trao đổi một số ý kiến về dự án luật.

Chú thích ảnh
Các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp tại điểm cầu Quảng Ngãi. 

Bà Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi nhất trí về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề phát sinh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cũng thống nhất với việc phân cấp cho các bộ, ban, ngành và cấp tỉnh trong quy định cụ thể đối tượng, tiêu chí xét tặng các danh hiệu thi đua và khen thưởng để sát với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương. Đồng thời, bà Sương đề nghị bổ sung quy định: “Chính phủ ban hành hướng dẫn thi hành” các điều khoản này bằng việc ban hành các nhóm đối tượng, tiêu chí chung và có quy định theo hướng mở để các cơ quan, địa phương quy định đối tượng, tiêu chí phù hợp với đặc điểm của mình. Quy định này sẽ bảo đảm việc thực hiện thống nhất giữa các địa phương và bộ, ban, ngành trong việc xét, đánh giá và công nhận danh hiệu; khắc phục tình trạng mỗi địa phương, bộ, ban, ngành thực hiện theo một cách khác nhau, dẫn đến không công bằng trong thi đua, khen thưởng (tức là nơi quy định chặt, nơi thì mở, dễ dàng).

Chú thích ảnh
Bà Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tham gia đóng góp ý kiến.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương chia sẻ: Nội dung điều chỉnh tại các điều luật phần lớn quy định về căn cứ, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời gian xét và công nhận các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng (chủ yếu mang tính thủ tục, quy trình); chưa quy định nhiều và tạo những cơ chế pháp lý rõ để khơi dậy tinh thần thi đua, động viên, khen thưởng, phát huy sự nỗ lực, tinh thần học tập, lao động, công tác, kể cả phát huy gương người tốt, việc tốt trong cuộc sống; để đông đảo cá nhân, tổ chức được cống hiến, khơi dậy các tiềm lực, nguồn lực cho phát triển đất nước. Hiện nay, còn nhiều đối tượng trong xã hội có nhiều công hiến cho xã hội, đất nước nhưng chưa được khen thưởng do thiếu cơ chế pháp lý rõ để xét, đề nghị, đối tượng khen thưởng chủ yếu vẫn là cán bộ, công chức, viên chức.        

Hơn nữa, nội dung về thi đua, khen thưởng trong các luật có liên quan cũng chưa được quy định rõ ràng. Do đó, bà Sương đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu một số nội dung như: Mở rộng phạm vi và bổ sung các điều luật quy định đối với khu vực ngoài nhà nước, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và lực lượng trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác (như quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 6.

Nguyên tắc thi đua, khen thưởng là: “Quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác”; bổ sung điều luật quy định và tạo cơ chế, hành lang pháp lý, như: tổ chức các phong trào thi đua trong sản xuất, kinh doanh; bố trí nguồn lực - tài chính cho Quỹ thi đua, khen thưởng; xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả lao động, thành tích đạt được để bình xét thi đua, khen thưởng và thực hiện bảo đảm các chế độ về khen thưởng, tạo môi trường khuyến khích và phát huy các thành tựu trong thi đua... , làm cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hưởng ứng, có trách nhiệm thực hiện, phát huy cơ chế, chính sách về thi đua, khen thưởng. 

Như vậy, sẽ góp phần thực hiện tốt trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác thi đua, khen thưởng được quy định tại Điều 11 về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải “chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng”.         

Bà Sương đề nghị bổ sung vào Điều 11 - Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác thi đua, khen thưởng về nội dung: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm công nhận, phát huy sáng kiến, thành tích lao động của cá nhân, tập thể; tạo điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ để cá nhân, tập thể có thành tích tiếp tục đóng góp, cải tiến, hoàn thiện các nguyên cứu, sáng kiến để thúc đẩy hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức. Như vậy, sẽ bảo đảm mục tiêu của khen thưởng là một chính sách thể hiện sự ghi nhận, biểu dương, tôn vinh cá nhân tập thể có thành tích, qua đó sẽ thúc đẩy các phong trào thi đua thiết thực, có hiệu quả.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Liên Hương tham gia đóng góp ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Liên Hương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng, dự thảo luật giao quá nhiều cơ quan quy định tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hướng dẫn thi hành luật, như có 7 Điều giao UBND cấp tỉnh quy định tiêu chuẩn, danh hiệu xét tặng (các Điều 21, 23, 24, 25, 26, 27, 28); 8 Điều giao bộ, ban, ngành, tỉnh, cấp quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng, tổng cục và tương đương quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn (các Điều 21, 23, 24, 25, 29, 69, 73, 74); 33 Điều giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thủ tục, điều kiện…

Theo bà Hương, nên liệt kê đầy đủ các tiêu chuẩn ở các hình thức khen thưởng bậc cao để không phải giao cho Chính phủ quy định, hướng dẫn ở nghị định, vì hiện tại dự thảo luật cũng đưa ra tiêu chuẩn nhưng chưa đủ mà dự thảo Nghị định của Chính phủ kèm theo cũng liệt kê.

Tin, ảnh: Sỹ Thắng (TTXVN)
Ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về hai dự án Luật
Ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về hai dự án Luật

Theo chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN