Thảo luận dự án Luật, nhiều đại đặt ra vấn đề về mặt nhận thức, quan điểm coi người nghiện là "tội phạm" hay "người bệnh"; người sử dụng ma túy ở mức nào sẽ bị coi là "nghiện ma túy".
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu vấn đề, theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, sử dụng ma túy một vài lần có thể gây nghiện, nhưng đồng thời cũng không thể trả lời chính xác các câu hỏi: sử dụng ma túy bao nhiêu lần sẽ nghiện. Chính vì vậy, trên thực tế, có những người sử dụng ma túy trong một thời gian khá dài nhưng chưa rơi vào tình trạng nghiện, chưa bị lệ thuộc vào ma túy. Nhưng bên cạnh đó, có người sử dụng ma túy vài lần đã thành nghiện. Việc xét nghiệm cho kết quả dương tính với ma túy chỉ là cơ sở kết luận người đó có sử dụng ma túy, chứ không phải là cơ sở kết luận người đó nghiện ma túy. "Vì vậy, việc phân định chính xác những kiểu người này để có biện pháp tương ứng về mặt pháp luật là rất cần thiết, rất quan trọng, đối tượng nào thì biện pháp đó" - đại biểu nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu, các luật hiện hành chỉ quy định quản lý đối với người nghiện, không có quy định quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và những người có hành vi tàng trữ ma túy. Nếu bị phát hiện, người sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt hành chính tối đa 1 triệu đồng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình) và sau đó không có bất cứ chế tài quản lý nào đối với họ. Sau này, họ trở thành người nghiện rồi mới bị quản lý và quản lý sau cai. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nếu đã thành người nghiện không dễ cai, lúc đó thậm chí có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Điều 3 dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), khoản 11 quy định rõ: "Tội phạm về ma túy là các hành vi phạm tội được quy định tại Chương Các tội phạm về ma túy trong Bộ luật Hình sự". Khoản 15 giải thích: "Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này". "Như vậy, người nghiện ma túy là bệnh nhân, cần được điều trị về thể chất, tâm thần. Nhưng những người nghiện ma túy đó cũng có thể là tội phạm, nếu họ có những hành vi phạm và khi đó họ sẽ bị xử phạt. Dự thảo luật sửa đổi như thế này tôi thấy rất rõ, từ nay trở đi có lẽ không cần phải thảo luận" - đại biểu nêu ý kiến.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính với đa số đại biểu tán thành. Cụ thể, 453 đại biểu tham gia biểu quyết (93,98% tổng số đại biểu Quốc hội) trong đó có 446 đại biểu tán thành (bằng 92,53% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm 3 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Với 449 đại biểu tán thành (bằng 93,15% tổng số đại biểu Quốc hội) trên tổng số 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,4% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú (sửa đổi).
Luật gồm 7 chương, 38 điều, quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú, dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Đối với Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), có 454 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,19% tổng số đại biểu Quốc hội) trong đó 450 đại biểu tán thành (bằng 93,36% tổng số đại biểu Quốc hội).
Luật gồm 8 chương, 74 điều quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Đối với Luật Thỏa thuận quốc tế, 458 đại biểu đã tham gia biểu quyết (bằng 95,02% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 456 đại biểu tán thành (bằng 94,61% tổng số đại biểu Quốc hội).
Luật gồm 7 chương, 52 điều quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Luật này không điều chỉnh việc ký kết, thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo pháp luật về quản lý nợ công; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài theo pháp luật về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo pháp luật về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo pháp luật về dân sự; hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Luật Thỏa thuận quốc tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Cũng trong chiều 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021 với đa số đại biểu tán thành. Theo đó, có 451 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,57% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 449 đại biểu tán thành (chiếm 93,15% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nghị quyết nêu rõ: Tổng số thu ngân sách Trung ương là 739.401 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 603.929 tỷ đồng.
Tổng số chi ngân sách Trung ương là 1.058.271 tỷ đồng, trong đó dự toán 350.804 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Theo Nghị quyết, Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, cơ quan Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chính phủ tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Trung ương; giao, hướng dẫn nhiệm vụ thu, chi năm 2021 cho các cơ quan, đơn vị này tiết kiệm chi tối thiểu 15% so với năm 2020…
Với 455 đại biểu tán thành/455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,4% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Nghị quyết này quy định về nguyên tắc, hình thức, lĩnh vực, lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, kinh phí bảo đảm, chế độ, chính sách và quản lý nhà nước đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Ngày 16/11, buổi sáng, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.