Quốc hội thảo luận Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 25/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây là lần thứ 2, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Bộ luật, sau khi Bộ luật được lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. 


Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Cần làm rõ quy định về chuyển đổi giới tính

Khoản 2, Điều 36 quy định về việc chuyển đổi giới tính theo hướng: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này”, khi thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quan điểm nội dung này cần được cơ quan thẩm tra dự thảo Bộ luật là Ủy ban Pháp luật nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Dự thảo Bộ luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan. Như vậy, nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ. Đây là vấn đề nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Các ý kiến đề nghị nội dung này cần được nghiên cứu, giải trình rõ hơn. 


Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), cho rằng đây là vấn đề không chỉ nhạy cảm trong xã hội mà còn là vấn đề khó và mới vì hiện đang thiếu hành lang pháp lý để điểu chỉnh người chuyển giới. Cũng cho rằng quy định của dự thảo Bộ luật là không thống nhất với nhau, đại biểu Vinh phân tích, nếu Nhà nước đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì đương nhiên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không được phép thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. 


Đánh giá đoạn 2, Khoản 2 là thừa và không khả thi, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nếu không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, liệu có vi phạm quyền con người không? Đại biểu băn khoăn khi trong thực tiễn, hiện nay xã hội vẫn đang tồn tại người chuyển đổi giới tính. Nếu Nhà nước không thừa nhận họ, tức là họ tiếp tục phải sống ngoài “vùng phủ sóng” về pháp luật. Vậy họ sẽ tham gia và hoà nhập vào các hoạt động xã hội như thế nào?, các chính sách về y tế, an sinh xã hội có tác động tới họ không?. Đồng thời việc thực thi pháp luật tố tụng hình sự đối với những người chuyển giới tính sẽ giải quyết như thế nào (cụ thể là việc tạm giam, tạm giữ, thi hành án phạt tù…); những tác động đối với kinh tế- xã hội, sức khoẻ, nòi giống và đạo đức, truyền thống văn hoá của dân tộc như thế nào, nếu công nhận cho phép chuyển giới?.

Không “cổ suý” cho trào lưu “lai căng” khi đặt tên

Thảo luận về đoạn thứ 2 khoản 3 Điều 26: “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái”, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định này trong dự thảo. Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) thể hiện sự đồng tình cao với quy định này của dự thảo Bộ luật. Theo đại biểu, mặc dù Hiến pháp 2013 đã quy định về quyền con người, quyền của công dân, đây là quyền nhân thân nhưng vẫn phải theo quy định của pháp luật. “Chúng ta cần phải có cơ chế để cho cá nhân thực hiện quyền này”- đại biểu nêu quan điểm. Đại biểu Trần Văn Cảnh (Bình Định) tán thành với quy định “Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái”, tuy nhiên đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần lý giải tại sao lại khống chế là 25 chứ cái mà không phải là con số khác.

Thao đại biểu Trần Ngọc Vinh, thực tiễn xây dựng pháp luật cho thấy, tất cả các văn bản đều nhất quán quan điểm ngôn ngữ văn bản phải là tiếng Việt, dễ hiểu. Nhấn mạnh mỗi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết riêng. Họ đều bảo vệ, phát triển ngôn ngữ của mình, vậy tại sao chúng ta lại tự “hoà tan” “lai căng” để đánh mất bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc. Đại biểu Vinh khẳng định, nếu bỏ quy định này, vô hình chung sẽ “cổ suý” cho trào lưu “lai căng” khi đặt tên, làm xói mòn bản sắc văn hoá dân tộc. 


Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Lưu Thị Huyền phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Quan điểm khác nhau về Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu 


Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu là một trong những nội dung vẫn còn ý kiến khác nhau tại phiên thảo luận chiều nay.
Khoản 2 Điều 133 dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bổ sung quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi tài sản là đối tượng của giao dịch đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là “ Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng quyền sở hữu, vật quyền khác đối với tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu ”.

Quan điểm của đa số thành viên Ủy ban Pháp là cơ quan thẩm tra dự thảo Bộ luật đề nghị cân nhắc quy định nêu trên vì cho rằng, nếu chỉ chú trọng bảo vệ người thứ ba ngay tình thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu tài sản. Đặc biệt trong điều kiện hệ thống pháp luật về đăng ký tài sản hiện nay chưa thực sự hoàn thiện, đồng bộ thì việc căn cứ vào sự kiện quyền sở hữu và vật quyền khác đối với tài sản đã được đăng ký để bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình có thể dẫn đến những khó khăn, bất cập trong thực tiễn. Hơn nữa, trong nội dung bổ sung nêu trên có hai giao dịch, nếu giao dịch thứ nhất đã vô hiệu, thì dù quyền sở hữu, vật quyền khác đối với tài sản có được đăng ký hay không thì giao dịch tiếp theo đó với người thứ ba cũng không thể được bảo vệ. Việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người thứ ba ngay tình phải bằng cơ chế hoàn trả giá trị thanh toán tài sản hoặc bồi thường thiệt hại. Quy định như dự thảo là không rõ ràng, không khả thi, do đó đề nghị bỏ quy định này. 


Đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc không nên quy định trường hợp này. Thực tế việc đăng ký tài sản thời gian qua còn nhiều sai sót, vi phạm pháp luật, đã ảnh hưởng đến quyền của chủ sở hữu tài sản ban đầu. Trong điều kiện hiện nay, khi việc đăng ký tài sản, bán đấu giá tài sản còn nhiều hạn chế, bất cập, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản ban đầu thì việc xây dựng cơ chế để bảo vệ chủ sở hữu tài sản ban đầu là cần thiết. 


Tuy nhiên, t rong trường hợp Quốc hội quyết định bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình như dự thảo, đại biểu Nguyễn Trọng Trường đề nghị, cần quy định nội dung cụ thể, đó là cơ quan đăng ký quyền sở hữu, tổ chức bán đấu giá tài sản có trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu trong trường hợp việc bán đấu giá tài sản, đăng ký quyền sở hữu vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chủ sở hữu tài sản ban đầu. 


B ên cạnh đó, cũng có ý kiến tán thành với quy định trong dự thảo Bộ luật, cho rằng quy định như vậy góp phần bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người thiện chí, ngay tình trong giao dịch dân sự ; đồng thời góp phần thay đổi nhận thức về ý nghĩa của việc đăng ký quyền sở hữu, vật quyền khác. Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng quy định này sẽ khắc phục được hạn chế của Bộ luật Dân sự 2005 về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba khi việc giao dịch của họ là thiện chí, ngay tình, tạo sự thuận lợi cho các giao dịch dân sự được thực hiện ổn định, giảm sự bội tín, lừa lọc. Hơn nữa, theo đại biểu, một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là thiện chí, trung thực, do đó cần thiết phải có hành lang pháp lý phù hợp để bảo vệ những người tham gia các giao dịch dân sự thiện chí, ngay tình. Đối với chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản, hơn sai hết, họ là người hiểu rõ nhất về tài sản của mình, họ có điều kiện và buộc phải quan tâm đến tình trạng tài sản, giấy tờ về tài sản của mình. Trong trường hợp họ không thực hiện tốt hoặc không quan tâm đầy đủ đến việc kiểm soát phần quyền tài sản của mình thì lỗi thuộc về họ, không nên đẩy phần rủi rõ về phía người thứ ba chiếm hữu ngay tình- đại biểu Vinh nêu rõ quan điểm.
Trong phiên họp sáng nay, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật an toàn, vệ sinh lao động và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. 


Theo Chương trình, chiều mai 26/6, Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII.



Quỳnh Hoa (TTXVN)
Nhân dân đánh giá cao về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)
Nhân dân đánh giá cao về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, nghe Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi),...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN