Đầu phiên họp sáng, Quốc hội họp riêng biểu quyết Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Sau nội dung này, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 chương, 34 điều với những nội dung cơ bản về vị trí, chức năng của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tiêu chuẩn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo Luật sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở hiện nay, khi sắp xếp 3 lực lượng gồm công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ, dân phòng và bảo vệ dân phố thành một lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều đại biểu còn băn khoăn xung quanh một số quy định về cơ quan chủ quản. Có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án Luật, đồng thời bổ sung các báo cáo đánh giá tác động để làm rõ hơn một số vấn đề như tiêu chuẩn tuyển chọn; sắp xếp, bố trí lực lượng này; chế độ, chính sách liên quan và đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động; bổ sung cụ thể trong dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ để tránh chồng chéo với lực lượng Công an xã.
Giải trình rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết dự thảo Luật điều chỉnh chính với 3 lực lượng trên thực tế đang tồn tại trên phạm vi toàn quốc, có lịch sử, có các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Đối với lực lượng quần chúng tự quản, tự nguyện khác mang tính đơn lẻ, đặc thù ở các địa phương, không mang tính phổ biến toàn quốc, còn nhiều ý kiến khác nhau về tổ chức, hoạt động của lực lượng này, Chính phủ thấy rằng cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng, toàn diện, cả về quy định cũng như thực tiễn để có đủ cơ sở quy định trong luật.
Trong phiên họp chiều, trước khi tiến hành phiên bế mạc, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 466 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,68% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó 443 đại biểu tán thành (bằng 91,91% tổng số đại biểu Quốc hội).
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 171 điều. Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Tại phiên họp bế mạc, Quốc hội thảo luận, biểu quyết Nghị quyết về Ngày Bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với đa số phiếu tán thành.
Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật ngày 23 tháng 5 năm 2021.
Các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.