Bên cạnh đó, các vị đại biểu đã phân tích, đánh giá, nêu ra những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất nhiều phương hướng, giải pháp giúp Chính phủ củng cố nền kinh tế trong thời gian tới.
Tổ chức khoa học và hiệu quả
Theo đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên- Huế), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuẩn bị nội dung chương trình Kỳ họp khá tốt, được dư luận xã hội quan tâm. Theo đại biểu, việc đưa ra thảo luận các Luật như: Luật Cư trú, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, được cử tri đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, việc chia thời gian kỳ họp ra làm 2 đợt (trực tuyến và tập trung) như kỳ họp trước rất khoa học và hiệu quả.
Nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, đặc biệt là năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đồng thời hạn hán, bão, lũ, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác xảy ra trên diện rộng, tác động nặng nề, nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu, cơ bản kiểm soát được dịch, bệnh, từng bước khắc phục thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai, phục hồi kinh tế và đạt được những kết quả tích cực. Nổi bật là duy trì tăng trưởng kinh tế đạt trên 2% trong 9 tháng đầu năm, giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội... Đó là những thành tích rất đáng trân trọng, được thế giới đánh giá cao, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ta ngày càng vững chắc hơn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao những thành tựu, kết quả của cả nước trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là việc thực hiện nghị quyết về kế hoạch tài chính, nghị quyết về đầu tư công... Theo đại biểu, trong 5 năm qua, chúng ta đã làm rất tốt việc kiểm soát chi ngân sách. Nhờ vậy, bội chi ngân sách đã giảm cũng như đã kéo giảm được nợ công, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, điều quan trọng nhất là phải tinh gọn hệ thống chính trị cũng như bộ máy quản lý nhà nước đạt được hiệu quả cao nhất, không tăng biên chế ở nơi không cần thiết và theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
"Quan điểm chung là làm sao để chúng ta tiết kiệm được khoản chi thường xuyên, không tổ chức hội họp nhiều cũng như cắt giảm các khoản chi đi nước ngoài", đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.
Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, đây là kỳ họp rất thành công về mặt nội dung và đổi mới, tối giản về phương thức thực hiện. Kỳ họp này đã phát huy kết quả của Kỳ họp thứ 9 trong việc ứng dụng công nghệ. Nhiều ý kiến khẳng định, việc họp trực tuyến chỉ khác về hình thức so với họp tập trung, nhưng các đại biểu vẫn tập trung trách nhiệm, trí tuệ dành cho Kỳ họp.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, một trong những đổi mới tích cực trong Kỳ họp này là đã áp dụng công nghệ thông tin, vừa họp trực tuyến vừa họp tập trung. Tài liệu được cung cấp thông qua máy tính bảng vừa thể hiện tính tiên phong trong ứng dụng công nghệ, vừa tiết kiệm ngân sách, tạo thuận lợi cho đại biểu khi cần xem xét tư liệu liên quan.
Đánh giá cao hiệu quả của Kỳ họp thứ 10, các đại biểu ủng hộ việc tổ chức họp theo hai hình thức trực tuyến và tập trung. Tuy nhiên, thời gian họp trực tuyến nên rút ngắn hơn, chủ yếu là để xem xét thảo luận những dự án luật đã cho ý kiến từ trước. Thời gian họp tập trung sẽ dành để giải quyết những nội dung quan trọng hơn.
Hoạt động chất vấn ngày càng chất lượng
Đánh giá về phiên chất vấn, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, hoạt động này ngày càng chất lượng và hiệu quả, dành nhiều thời gian để các thành viên của Chính phủ trả lời đầy đủ những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm.
Đồng tình với quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đánh giá chất vấn lần này không thực hiện theo chuyên đề như mọi khi, mà là việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. "Đại biểu chất vấn Chính phủ và các bộ, ngành đã tiếp thu, giải trình, đáp ứng yêu cầu của cử tri", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhận định.
Các đại biểu phân tích, một trong những thay đổi tích cực đem lại hiệu quả cao là lần này Quốc hội tiến hành chất vấn theo phương thức mở, cho phép tất cả thành viên Chính phủ, các tư lệnh ngành đều có cơ hội tham gia trả lời chất vấn đối với các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Khẳng định phiên chất vấn kỳ họp lần này diễn ra rất sôi nổi, không khí cởi mở, chất lượng, nhưng đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng hoạt động chất vấn vẫn còn có những hạn chế cần được khắc phục. Đó là, các đại biểu Quốc hội vẫn nặng phần diễn giải, chưa thực sự đi vào trọng tâm, mục đích câu hỏi thường tập trung vào phần cuối nên mất thời gian. Bên cạnh đó, một số đại biểu vẫn tiếp tục đặt câu hỏi ngay cả khi có nội dung chất vấn đã trùng với đại biểu trước.
Nhiều ý kiến đánh giá từ Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV đến nay, kinh nghiệm, kỹ năng của đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng lên, bản lĩnh được củng cố. Nhiều đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự công tâm, bình đẳng, đề cập những vấn đề gai góc trên diễn đàn Quốc hội; không phải lệ thuộc hay phụ thuộc vào bất cứ ai, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. "Nhiều đại biểu phát biểu với tinh thần thẳng thắn và đóng góp nhiều ý kiến trong vấn đề ban hành luật, cũng như khi đưa ra những quyết định về các vấn đề quan trọng của đất nước", đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa nói.
Theo các đại biểu Quốc hội, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ và việc thực hiện những lời hứa, cam kết trước Quốc hội, cử tri và nhân dân là điều được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, nhất là tại thời điểm quan trọng chuyển giao nhiệm kỳ.
Các đại biểu mong muốn các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục nỗ lực, tập trung cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước...