Quốc hội đã thông qua một Luật và 3 Nghị quyết và quyết định công tác nhân sự

Chiều 9/1, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà, sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra.  

Tại kỳ họp này, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng, có tính xây dựng cho các nội dung của kỳ họp. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan đã nỗ lực tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của các vị đại biểu. Quốc hội đã xem xét, thông qua một Luật và 3 Nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Video ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nói về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi):

Cung cấp thông tin tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoàng Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: Sau 3 kỳ họp, với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp. Khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng; phát triển dịch vụ y tế bảo đảm hiệu quả, hội nhập với quốc tế; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...  

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Mai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương, 121 điều; tăng 3 chương (Chương VI, VII, XI) và 30 điều so với Luật hiện hành. Trong đó, quy định một mục riêng về các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh (Chương X), đặc biệt có những điểm mới: Về các quy định liên quan đến người bệnh, bổ sung quyền kiến nghị và yêu cầu bồi thường của người bệnh; xác định rõ người đại diện của người bệnh và việc thay thế người đại diện của người bệnh; quy định về người bệnh không có thân nhân và quy trình, thủ tục, trách nhiệm trong việc tiếp nhận và xử lý đối với người bệnh không có thân nhân; quy định các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, an toàn cho người bệnh và thân nhân của người bệnh...

Về các quy định liên quan đến người hành nghề, bổ sung thêm 3 chức danh phải có giấy phép hành nghề (dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng). Điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề là phải được Hội đồng Y khoa quốc gia đánh giá đủ năng lực hành nghề tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề. Quy định cụ thể các trường hợp và phân cấp thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề. Thời hạn của Giấy phép hành nghề (5 năm kể từ ngày cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh). Quy định các chính sách học bổng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khám bệnh, chữa bệnh...

Về các quy định liên quan đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bổ sung 3 hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh xá thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, cơ sở cấp cứu ngoại viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình). Quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cơ bản và định kỳ đánh giá, công khai kết quả đánh giá chất lượng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cao hơn do tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài ban hành được Bộ Y tế thừa nhận; quy định trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Phân cấp hơn nữa thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hoạt động, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động…

Về hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, điều chỉnh hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh từ 4 tuyến theo cấp hành chính như hiện hành thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật gồm cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản và cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu. Đồng thời, quy định lộ trình thực hiện quy định này để đảm bảo tính khả thi...

Về tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bổ sung quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ; quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự chủ và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

Bổ sung quy định về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và quy định hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Quy định giá khám bệnh, chữa bệnh theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, phương pháp, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh... Bổ sung các quy định về chuyên môn kỹ thuật; bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ nhân viên y tế trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Quy định về huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp. Sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách của Nhà nước, về một số thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa tối đa các trình tự, quy trình, thủ tục, hồ sơ; giảm thời gian xem xét để cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động… nhằm tạo điều kiện cho người bệnh, người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh...

Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Về công tác nhân sự, căn cứ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với ông Phạm Bình Minh và ông Lê Minh Chuẩn; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam và phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục đúng quy định.

Tin, ảnh, video: Viết Tôn/Báo Tin tức
Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Chiều 9/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), với 386/473 phiếu tán thành (chiếm 77,82% tổng số đại biểu Quốc hội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN