Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Chiều 9/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), với 386/473 phiếu tán thành (chiếm 77,82% tổng số đại biểu Quốc hội).

Chú thích ảnh
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Luật này quy định về quyền, nghĩa vụ của người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng; huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp...

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, với 12 chương, 121 điều (tăng 3 chương và 30 điều so với Luật hiện hành), dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra: Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.

Luật khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Để bảo đảm Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tăng cường tính khả thi, đặc biệt là nội dung mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng khắp để mọi người dân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cán bộ y tế và cơ quan, tổ chức liên quan hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của Luật. Đồng thời, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật và bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành Luật; đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhất là tự chủ về tài chính chưa rõ ràng; đề nghị làm rõ nguyên tắc tự chủ, "tự chủ theo quy định của pháp luật"; đề nghị bổ sung quy định điều kiện để một đơn vị khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện tự chủ; bổ sung quy định về nhóm bảo đảm chi một phần chi thường xuyên và tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: An Đăng/TTXVN

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, ý kiến của đại biểu là xác đáng, qua rà soát cho thấy, các vấn đề liên quan đến cơ chế tự chủ nói chung và tự chủ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước nói riêng đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau từ luật đến nghị định của Chính phủ và đang có những vướng mắc nhất định, cần được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện trong thời gian tới.

Để có thể giải quyết một cách triệt để thì về lâu dài cần nghiên cứu tổng thể, hoàn thiện chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ hơn. Trong phạm vi Luật này, dự thảo Luật chỉ quy định một số nội dung mang tính đặc thù của ngành y tế để tháo gỡ một phần vướng mắc, khi hệ thống pháp luật về tự chủ đối với đơn vị cung ứng dịch vụ công được hoàn thiện sẽ kết nối thực hiện được. Do đó, xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, Nhà nước cần quản lý giá khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập, cả khám bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh theo yêu cầu để bảo đảm quyền được chăm sóc y tế của nhân dân, bảo đảm những người yếu thế không bị nghèo hóa về chi phí y tế; đề nghị làm rõ Bộ Y tế quy định giá gì, thay đổi cách quản lý về quy định giá.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, luật quy định Nhà nước định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoài danh mục dịch vụ do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại khoản 5 và khoản 6 Điều này; giao cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu như thể hiện tại khoản 7 Điều 110.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tương thích với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), chưa rõ vai trò của Bộ trưởng Bộ Tài chính; cần có sự kết nối liên thông phù hợp với một số luật trong thời gian tới sẽ sửa đổi, bổ sung như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Đấu thầu.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong quá trình xây dựng các quy định liên quan đến nội dung này đã thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đối chiếu với các dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và xin ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật này để bảo đảm có sự kết nối liên thông phù hợp với các luật liên quan. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý điểm a khoản 5 Điều 110 theo hướng Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Liên quan đến các điều khoản về tài chính chưa tách khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và khám bệnh, chữa bệnh bình thường để xác định nguồn thu - chi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trên thực tế nhiều trường hợp không thể bóc tách được khoản chi từ nguồn thu do nhiều hoạt động khám bệnh, chữa bệnh sử dụng chung nguồn lực như điện, nước, xử lý chất thải... Do vậy, việc quản lý tài chính từ nguồn thu và việc chi sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tài chính, kế toán. Ngoài ra, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu như thể hiện tại Điều 110 của dự thảo Luật.

Cũng trong chiều nay, với 480/485 phiếu tán thành (chiếm 96,77% tổng số đại biểu Quốc hội), các đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Diệp Trương (TTXVN)
Làm rõ chức năng Hội đồng Y khoa quốc gia trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Làm rõ chức năng Hội đồng Y khoa quốc gia trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Sáng 14/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp Phiên thứ 18 cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN