Đề án mô hình thành phố thông minh được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2016. Đề án phát triển trên quan điểm ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng phát triển kho tích hợp dữ liệu dùng chung trong tất cả các lĩnh vực; hình thành công cụ quản lý tất cả trong một nền tảng, các tiện ích cho người dùng cuối là nhân dân. Qua đó, thúc đẩy đổi mới, thực thi công bằng xã hội, tăng cường sự minh bạch...
Theo đề án, giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh tập trung xây dựng 32 nhiệm vụ, dự án hình thành hệ thống trung tâm điều hành, cơ sở hạ tầng, nguồn lực cho thành phố thông minh. Quảng Ninh phấn đấu đến cuối năm 2020, xây dựng thành phố Hạ Long cơ bản trở thành thành phố thông minh; đến năm 2030 Quảng Ninh sẽ trở thành thành phố thông minh, hiện đại đứng trong tốp đầu các thành phố thông minh của Việt Nam và khu vực ASEAN (Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 và 2045).
Tháng 4/2019, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu triển khai xây dựng Trung tâm điều hành thành phố thông minh. Trung tâm có quy mô tích hợp đồng bộ nhất hiện nay tại Việt Nam, có thể ví như "bộ não" của tỉnh Quảng Ninh, được tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có của tỉnh, giúp có được một cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực... trên phạm vi toàn tỉnh.
Trung tâm sẽ cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích để người điều hành ra những quyết định sáng suốt, kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, các tình huống khẩn cấp…; đồng thời tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, các vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường… bằng vài thao tác bấm nút đơn giản trên thiết bị di động.
Tính ưu việt của trung tâm còn nằm ở chỗ theo dõi được tất cả các vấn đề thông qua hệ thống camera và cảm biến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)… Khi có sự cố hay cảnh báo, có thể dễ dàng quan sát từng camera được kết nối trên bản đồ số. Thông tin sẽ được tập hợp, phân tích vào các hoạt động quản lý từ một đầu mối điều hành duy nhất. Vì thế, có thể dự báo về các vấn đề xảy ra cũng như phản ứng trước các tình huống.