Những con số “biết nói”
Xếp thứ 2 là Ban Quản lý Khu kinh tế với 81,26 điểm, 3 vị trí tiếp theo thuộc Top 5 đã có sự thay đổi: Sở Tư pháp (72,09 điểm), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (67,88 điểm) và Sở Công Thương (67,09 điểm); trong đó Sở tư pháp tăng 5 bậc, từ vị trí thứ 8 lên thứ ; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ thứ 17 lên thứ 4; Sở Công Thương lần đầu tiên vào tốp 5; Sở Y tế giảm từ thứ hạng 9 năm 2021 xuống cuối bảng năm 2022 (49,45 điểm).
Đây là năm thứ 8 tỉnh Quảng Ninh triển khai hoạt động đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương (DDCI). Theo đánh giá, Cục Hải quan tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh là hai đơn vị có điểm số vượt lên cao hẳn so với các đơn vị khác.
Theo đó, Cục Hải Quan duy trì vị trí quán quân năm thứ hai liên tiếp, vượt trội so với các đơn vị khác ở tất cả các khía cạnh, nổi bật nhất là chỉ số Tiếp cận, minh bạch thông tin và chuyển đổi số, chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp.
Ban Quản lý khu kinh tế tiếp tục duy trì vị trí thứ 2, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận đứng đầu về các chỉ số Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động và Thiết chế pháp lý. Sở Tư pháp đã tăng 5 bậc, từ vị trí thứ 8 năm 2021 lên vị trí thứ 3 năm nay, điểm cải thiện mạnh mẽ nhất của Sở Tư pháp là Cạnh tranh bình đẳng.
Ở khối địa phương, thành phố Móng Cái là địa phương dẫn đầu với 70,35 điểm. Đứng thứ 2 và thứ 3 lần lượt là thành phố Hạ Long và huyện Bình Liêu với mức điểm lần lượt là 70,08 và 69,90 điểm. Huyện Hải Hà đứng thứ 4 với 68,45 điểm và thành phố Cẩm Phả xếp thứ 5 với 67,13 điểm, thị xã Đông Triều xếp cuối bảng với 48,53 điểm, từ vị trí thứ 2 (năm 2021) xuống vị trí cuối cùng năm 2022.
Theo phân tích đánh giá chuyên sâu, Chỉ số DDCI Quảng Ninh năm 2022 và định hướng giải pháp giai đoạn tới cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Ở khối sở, ban ngành được cộng đồng doanh nghiệp chỉ ra qua khảo sát bộ chỉ số DDCI như: Doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến nhưng sở, ban, ngành “ngâm hồ sơ” ở phòng chờ (không được kích hoạt trạng thái “hồ sơ đã được tiếp nhận” trong ngày) vẫn còn cao ở một số sở, ngành. Với các Thủ tục hành chính phức tạp, vẫn còn tỷ lệ 44% số doanh nghiệp phản ánh nhận được thông báo “hồ sơ đã được tiếp nhận” sau 2 ngày làm việc.
Đối với khối địa phương, tỷ lệ thực hiện Thủ tục hành chính trực tuyến vẫn còn thấp, chỉ đạt 39%. Tình trạng doanh nghiệp phải đến cơ quan nhà nước để tìm hiểu thông tin TTHC (47%) cũng như nộp hồ sơ Thủ tục hành chính bằng phương thức truyền thống vẫn ở mức cao (59%). Ngoài ra, còn các tồn tại về thời gian chờ đợi giải quyết thủ tục hành chính còn cao; một số địa phương có hiện tượng trì hoãn/chậm trễ thực hiện các quyết định/chủ trương của UBND tỉnh…
Bảo vệ thương hiệu bền vững
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: năm 2022 là lần thứ 6 Quảng Ninh dẫn đầu chỉ số PCI, lần thứ 2 (2020 và 2022) chinh phục vị trí dẫn đầu cả nước cả 4 chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (PCI, PAPI, PAR Index và SIPAS).
Hơn nữa, tỉnh giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số liên tục trong 7 năm (2016 - 2022), phản ánh những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh để xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, thông thoáng, dân chủ, công khai, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng chất lượng, hiệu quả, nên hành chính hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Quảng Ninh không cho phép mất đi sự ổn định, thương hiệu về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Cùng với đó, hướng đến 5 thật (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, hài lòng thật) và 6 dám (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách vì lợi ích nhân dân, lợi ích chung).
Ông Nguyễn Xuân Ký đề nghị, UBND tỉnh thiết kế bộ công cụ đánh giá trực diện, để ngày càng có nhiều không gian mở dành cho hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, doanh nghiệp đánh giá chính quyền, cán bộ, công chức, tất cả những cán bộ trong hệ thống chính trị, nhận được sự hài lòng thật sự từ cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân.
Phân tích về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Quảng Ninh, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban pháp chế VCCI; Giám đốc dự án PCI Quốc gia nhận định Quảng là một trong số ít các địa phương trong cả nước tạo lập được thương hiệu về môi trường kinh doanh thuận lợi, thân thiện, chuyển tải thông điệp nỗ lực của bộ máy chính quyền để tạo môi trường đầu tư kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn phân tích, có thể về vị trí địa lý, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Quảng Ninh chưa bằng một số thành phố lớn khác, song địa phương này đang xác lập là tỉnh đứng đầu Việt Nam về văn hóa hỗ trợ doanh nghiệp.
Hy vọng văn hóa này sẽ lan tỏa hơn nữa, không phụ thuộc vào nhiệm kỳ, của từng người đứng đầu mà sẽ thấm vào từng hành động, suy nghĩ của mọi cán bộ, công chức các cấp, làm thế nào đó để tạo lập được văn hóa hành chính hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh, thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
Tại hội nghị này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao kỷ niệm chương, bằng khen cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong cải thiện năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và chính quyền địa phương; thành tích PCI năm 2022. Đồng thời, triển khai ký cam kết của các cơ quan đầu mối trong triển khai cải thiện bền vững PCI tỉnh Quảng Ninh năm 2023.