Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở dự và chỉ đạo hội nghị.
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; các đồng chí là thành viên đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Ban dân vận Tỉnh ủy cụm 6 tỉnh Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Từ năm 2016 đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị, xã hội ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020. Chính quyền các cấp đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy chính quyền các cấp với nhân dân được triển khai tích cực, có chuyển biến rõ nét và mang lại hiệu quả thiết thực.
6 tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai và ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân. Một số tỉnh có cách làm linh hoạt, sáng tạo như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh đã tổ chức được hàng trăm cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp... thông qua đó góp phần xử lý kịp thời những kiến nghị, đề xuất và bức xúc từ cơ sở, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Các tỉnh trong Cụm đã thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 41-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở về “Kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, gửi báo cáo kiểm tra, tự kiểm tra về Ban Chỉ đạo Trung ương, đưa công tác kiểm tra và tự kiểm tra hàng năm trở thành thường xuyên, nền nếp hơn, qua đó, đã phát hiện nhiều mô hình, điển hình tốt, chỉ ra những đơn vị, cơ sở còn yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đề ra những giải pháp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết hàng năm cũng như tổng kết 17 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW, sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận 120-KL/TW, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn cũng được các địa phương trong Cụm triển khai sâu rộng, đạt được nhiều kết quả nổi bật, phát huy hiệu quả tích cực ở cộng đồng dân cư trên nhiều mặt của đời sống xã hội, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Kết quả rõ nét nhất trong thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn là việc tổ chức công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện công tác khắc phục sự cố môi trường biển, đặc biệt trong công tác kiểm đếm, đền bù thiệt hại cho người dân ở các địa phương bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện… đã tạo động lực to lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh các tỉnh trong Cụm.
Việc triển khai và thực hiện “Năm dân vận chính quyền” được các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục quan tâm, đề ra nhiều giải pháp tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh theo phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Công tác cải cách hành chính được chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện, theo hướng tập trung đầu mối, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, luôn lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả cải cách hành chính. Việc thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Ban dân vận Tỉnh ủy cụm 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã trao đổi những cách làm hiệu quả, kinh nghiệm quý được đúc rút qua thực tiễn giải quyết vụ việc phức tạp, điểm nóng tại địa bàn cơ sở, lĩnh vực phụ trách. Trong đó, nhiều kinh nghiệm được trao đổi như: Hướng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân để giải quyết vụ việc; Nhận diện các vụ việc phức tạp, chủ động nắm tình hình nhanh, từ xa để xử lý sớm, tránh lây lan phức tạp; Gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền; Sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong thực hiện quy chế dân chủ…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình với đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Theo đó, thước đo lớn nhất của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chính là lòng dân đồng thuận, an ninh trật tự giữ vững, kinh tế - xã hội phát triển. Kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cho thấy vai trò quan trọng của công tác dân vận chính quyền, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính.
Theo Phó Thủ tướng, khu vực 6 tỉnh Bắc Trung Bộ là khu vực đặc thù, cần sự nỗ lực của từng địa phương, vì vậy, để làm tốt việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, 6 tỉnh trong cụm cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc, đặc biệt là vai trò của người dân trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật, cũng như nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở cơ sở.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của 6 tỉnh cụm Bắc Trung Bộ đã nỗ lực tạo bước chuyển trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã có những tác động trực tiếp và gián tiếp phát huy vai trò làm chủ của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị: Cụm Bắc Trung Bộ cần tiếp tục quan tâm đến quan hệ giữa Đảng với nhân dân, chính quyền với nhân dân, mở rộng hơn là cả hệ thống chính trị trong đó đề cao vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. “Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị 6 tỉnh Bắc Trung Bộ cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản, chỉ thị, nghị quyết đến người dân; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; quan tâm đến lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng thời giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc của người dân”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cụm Bắc Trung Bộ cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở, chú trọng kiểm tra, giám sát những ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp…; tăng cường nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.
Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở các tỉnh, đồng thời cho biết sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan cho phù hợp với tình hình mới.