Cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, các đại biểu nêu thực tiễn về tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất công trình quốc phòng và khu quân sự. Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, tại các địa phương trên toàn quốc, tình hình vi phạm, xâm phạm công trình quốc phòng và khu quân sự ngày càng phức tạp. Tình trạng lấn chiếm, chồng lấn đất quốc phòng vẫn diễn ra, điển hình như các vụ việc xảy ra tại một số tỉnh (ở các trường bắn) như tại Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... Hành vi xâm phạm, phá hủy công trình quốc phòng và khu quân sự như đập phá công trình lô cốt cũ, mốc khống chế pháo binh, mốc đất quốc phòng... để lấy sắt thép vẫn diễn ra ở một số địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, hiện còn hơn 600 điểm đất quốc phòng liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng chưa giải quyết xong. Tuy nhiên, qua nghiên cứu toàn bộ dự thảo Luật, đại biểu Dương Tấn Quân nhận thấy chưa có quy định chế tài xử lý cụ thể đối với các trường hợp vi phạm này. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định bổ sung chế tài xử lý đối với vi phạm, đồng thời cần có điều khoản quy định quá trình chuyển tiếp xử lý các vấn đề tồn đọng trong lịch sử giao sử dụng đất, công trình quốc phòng và khu quân sự.
Về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành Luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh; đảm bảo vận hành các quan hệ về kinh doanh bất động sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, thực tiễn thị trường bất động sản luôn rình rập tình trạng "sốt nóng" hay "đóng băng", ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Nếu chính sách của Nhà nước không điều tiết kịp thời, không có giải pháp hữu hiệu thì có thể ảnh hưởng đến tài chính, kinh tế và cao hơn nữa là khủng hoảng kinh tế. Vì thế, việc xây dựng chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản là rất quan trọng.
Theo đại biểu, cử tri mong muốn sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để xóa bỏ được tư duy "không buôn gì lãi bằng buôn đất" và làm sao để người nghèo không nghèo hơn vì bất động sản, làm sao để thế hệ sau không vô vọng với ước mơ có được căn nhà của mình.
Để luật hóa cụ thể các chính sách của Nhà nước đối với thị trường này, đại biểu chỉ rõ, phải đảm bảo 4 yếu tố. Đó là tính ổn định của chính sách; thị trường bất động sản có chu kỳ rất dài, dự án cũng rất dài nên tính ổn định chính sách rất quan trọng.
Bên cạnh đó, tạo sự thuận lợi, thông thoáng và tạo động lực để sau khi sửa luật, các nhà đầu tư có thể đầu tư mạnh mẽ vào thị trường bất động sản. Đây là điều rất quan trọng trong chính sách điều tiết của Nhà nước.
Ngoài ra, phải điều tiết lại cơ cấu phân khúc nhà ở, hiện nay phân khúc nhà ở cao cấp đang được đầu tư quá nhiều và "cục máu đông" cũng đang nằm ở đây. Trong khi đó, nhu cầu rất lớn về nhà ở công nhân thì lại không được định hướng, không điều tiết dòng vốn đầu tư vào đây.
Đặc biệt, phải quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, ứng phó kịp thời, chủ động với tình trạng "nóng - lạnh" của thị trường bất động sản.
Trong ngày làm việc, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024; gồm 10 chương, 96 điều, quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu, hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
Liên quan đến quy định đấu thầu tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế và một số đại biểu Quốc hội làm việc trong ngành Y tế về những nội dung tiếp thu, chỉnh lý liên quan đến lĩnh vực y tế.
Trên cơ sở đó, thuật ngữ sử dụng trong Luật đã được rà soát, thống nhất; đồng thời thống nhất quy định về mua sắm tập trung đối với mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít; rà soát quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế; tiếp thu, bổ sung quy định về thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế trong trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu; chỉnh lý quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình; chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc.
Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) nêu rõ: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên, cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.