Đồng thời, trong hai ngày 16 - 17/8, quân đội đã tăng cường xe cứu thương cho TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam trong vùng dịch.
Tăng cường xe cứu thương cho các tỉnh phía Nam
Chỉ đạo tại cuộc họp mới đây, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, yêu cầu các đơn vị trong toàn quân phải chủ động tìm hiểu để hỗ trợ kịp thời những nhu cầu bức thiết của địa phương và người dân trong phòng, chống dịch bệnh, trên tinh thần bộ đội chủ động đến với dân, không chờ dân khó khăn phải tìm đến bộ đội.
Cùng với việc phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng dân quân tự vệ cả nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các đơn vị trong toàn quân phối hợp chặt chẽ, tương trợ lẫn nhau trong cuộc chiến phòng, chống dịch. Trước mắt, trong hai ngày 16-17/8, một lượng lớn xe cứu thương của quân đội sẽ được tăng cường cho Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh. Các Quân khu 1, 2, 3 và những đơn vị khác hỗ trợ các quân khu trong vùng dịch tùy theo điều kiện thực tế.
"Quân khu 7 phải tập hợp xe cứu thương của chính quân khu và một số đơn vị trên địa bàn quân khu do Bộ Tổng Tham mưu chủ trì để đảm bảo xe cứu thương cho TP Hồ Chí Minh có ngay trong ngày 16-17/8. Các Quân khu 1, 2, 3, kể cả các quân đoàn, quân chủng, binh chủng, Bộ đội Biên phòng... cũng nghiên cứu để hỗ trợ cho các Quân khu 5, 7, 9 và các quân khu trong vùng dịch. Tôi rất mong các đồng chí làm tốt việc này, đề nghị Tổng cục Chính trị và Bộ Tổng Tham mưu phối hợp có đợt phát động để chung tay vì cộng đồng", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ.
Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng yêu cầu Tổng cục Hậu cần phải chỉ đạo ưu tiên tiêm cho những lực lượng tham gia chống dịch để bảo đảm thời gian vaccine có hiệu lực.
Tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, toàn quân đã triển khai 190 điểm cách ly công dân, tổng lũy tích cách ly là 273.855 người, hiện đang cách ly tại 93 điểm cho 11.144 người. Về công tác phòng, chống dịch COVID-19 toàn quân, quân đội dự kiến chia thành các tuyến chiến thuật, tuyến chiến dịch và tuyến chiến lược trong điều trị. Đồng thời, quân đội cũng đã triển khai các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm tăng cường cho các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, với số lượng 10 bệnh viện dã chiến, 1 bệnh viện chuyển đổi công năng, 1 trung tâm điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch với tổng số 3.056 cán bộ nhân viên quân y.
Bên cạnh đó, toàn quân dự kiến triển khai 531 tổ tiêm, 173 tổ hồi sức tham gia tiêm vaccine cho quân đội và nhân dân. Công tác bảo đảm trang bị - dược, bảo đảm thuốc, test kit, hóa chất phòng, chống dịch được tổ chức tạo nguồn mua sắm đúng theo quy định của pháp luật, đã bảo đảm nhanh chóng, kịp thời cho công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.
Tại TP Hồ Chí Minh, quân đội đã huy động 10.925 trang thiết bị các loại để triển khai bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19, trong đó có nhiều trang bị kỹ thuật cao, hiện đại như hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO), hệ thống lọc máu liên tục, máy X-quang kỹ thuật số, máy thở các loại, máy theo dõi bệnh nhân, giường hồi sức; triển khai 12 máy xét nghiệm RT-PCR và 2 xe xét nghiệm cơ động.
Theo Cục Quân y, lực lượng quân y tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh có tổng số gần 2.300 cán bộ, nhân viên, đang thực hiện nhiệm vụ ở 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, Bệnh viện Quân Dân y miền Đông thuộc Quân khu 7 và Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng thuộc Bệnh viện Quân y 175.
Các cơ sở này đã tiếp nhận hơn 6.200 bệnh nhân, điều trị khỏi 2.466 bệnh nhân, chuyển viện 202 bệnh nhân; hiện đang điều trị 3.471 bệnh nhân (trong đó có 13 bệnh nhân nặng và nguy kịch). Lực lượng quân y cũng đã thực hiện xét nghiệm 799.260 mẫu, phát hiện 13.338 mẫu dương tính; tiến hành tiêm 26.321 mũi vaccine.
Bên cạnh đó, lực lượng vận tải quân sự đã tổ chức 264 chuyến xe vận chuyển 610 tấn hàng thiết yếu, vật chất hậu cần cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, tính từ ngày 9/7 - 14/8, đã sử dụng 43 chuyến xe vận chuyển hơn 8 triệu liều vaccine.
Có 190 y bác sĩ, điều dưỡng đã được tăng cường cho hai bệnh viện dã chiến tại Thành phố Hồ Chí Minh; hơn 400 người tham gia lực lượng lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm vaccine phòng COVID-19. Lực lượng thường trực và dân quân tự vệ được huy động tham gia chốt phòng, chống dịch và giúp dân thu hoạch nông sản… là hơn 76.000 người.
Lên phương án bảo đảm quân y cho Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc
Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, trên địa bàn Hà Nội, quân đội đã huy động tổng quân số hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có trên 400 người tham gia 22 chốt phòng, chống dịch COVID-19; triển khai 3 điểm cách ly công dân với 1.233 người đang cách ly. Lực lượng vận chuyển công dân về các khu cách ly tập trung gồm 23 xe và trên 30 cán bộ, chiến sĩ, tính từ ngày 1/4/2021 đến nay đã vận chuyển 14.656 người.
Cùng với đó, quân đội huy động 143 tổ lấy mẫu xét nghiệm; lập 7 phòng xét nghiệm với 25 máy xét nghiệm RT-PCR thực hiện nhận mẫu và xét nghiệm cho người dân Hà Nội với công suất hơn 10.000 mẫu/ngày; từ ngày 11/8, đã xét nghiệm 134.557 mẫu, phát hiện 24 mẫu dương tính. Quân đội cũng huy động lực lượng quân y, lập 38 tổ tiêm vaccine và 13 tổ hồi sức cấp cứu, đã tiêm được hơn 14.000 mũi vaccine.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện Bỏng quốc gia sẽ sẵn sàng triển khai 300-500 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch ở mỗi bệnh viện. Bệnh viện Quân y 354, 105 và Viện Y học Cổ truyền Quân đội, sẵn sàng mỗi cơ sở triển khai 300-500 giường bệnh điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ vừa và nặng; đồng thời tăng cường 135 tổ lấy mẫu, 82 tổ tiêm, 27 tổ hồi sức khi Hà Nội có nhu cầu.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, đối với các tỉnh phía Bắc, cùng với việc sẵn sàng tăng cường, hỗ trợ hàng trăm tổ tiêm, tổ lấy mẫu xét nghiệm và tổ hồi sức, toàn quân dự kiến triển khai hơn 21.000 giường điều trị bệnh nhân ở các cấp độ bệnh nhẹ, vừa, nặng và nguy kịch.
Quân đội xác định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, sẵn sàng ứng phó với tình huống 500.000 người mắc COVID-19 và nhiều hơn. Để chủ động chuẩn bị chu đáo về nhân lực, trang thiết bị, các địa phương cần căn cứ vào các yếu tố như đặc điểm dân số, địa lý, tập quán, tỷ lệ người mắc bệnh nền... để có những dự báo chính xác, kịp thời, sát thực tiễn.
Cùng với việc tăng cường nghiên cứu hợp tác quốc tế, thúc đẩy mua, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị, vật tư, trang thiết bị y tế..., tiến độ tiêm vaccine cần được đẩy nhanh hơn. Ngoài đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ, quân đội đề xuất ưu tiên tiêm cho người cao tuổi, người có bệnh nền để giảm số ca nặng, nguy kịch, tránh quá tải cho ngành y tế; đưa ra nhu cầu cụ thể về lực lượng, thời gian, địa điểm tăng cường các tổ tiêm và hồi sức cấp cứu để cân đối điều chỉnh lực lượng đáp ứng với nhu cầu của từng địa phương.
Trong công tác điều trị, các địa phương căn cứ vào dự báo tình hình, tỷ lệ người mắc bệnh nền có thể trở nặng, nguy kịch khi mắc COVID-19 để chủ động mua sắm trang bị hồi sức cấp cứu, các trang bị kỹ thuật cao, xe cứu thương phục vụ công tác điều trị, vận chuyển bệnh nhân, không để bị động khi dịch bùng phát. Ngoài ra, Tổng cục Hậu cần cũng đề xuất danh mục mua sắm tiếp 17 khoản trang thiết bị, vật tư nhằm chủ động bảo đảm cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, đặc biệt là nhiệm vụ triển khai bệnh viện dã chiến truyền nhiễm điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.