Phú Yên chịu thiệt hại nặng do diễn biến thời tiết bất thường

Tại tỉnh Phú Yên, mưa và gió lớn bất thường từ ngày 30 - 31/3 đã khiến các khu vực ven biển thiệt hại nặng về người và tài sản. Trực tiếp đi kiểm tra tại hiện trường, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương khẩn trương tìm kiếm người mất tích và triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả.

Chú thích ảnh
Những chiếc tàu cá của ngư dân huyện Tuy An bị sóng đánh hư hỏng nặng. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Tại huyện Tuy An, đến 17 giờ ngày 31/3 vẫn còn 2 người mất tích là cháu Trần Văn Thiện (sinh năm 2008, xã An Hòa Hải) và Nguyễn Sam (sinh năm 1982, xã An Hòa Hải) bị cuốn trôi khi ở trên thuyền để ra khu vực nuôi tôm hùm. Đối với nuôi trồng thủy sản, hơn 2.400 lồng ươm tôm hùm giống bị cuốn trôi. Người dân địa phương vẫn đang nỗ lực trục vớt tàu thuyền bị đánh chìm vào bờ để sửa chữa và vớt những con tôm hùm giống còn sót lại để tiếp tục ươm nuôi. Việc sóng to, gió lớn xảy ra vào thời điểm này và gây thiệt hại nặng nề là điều hiếm gặp.

Bà Phạm Thị Thiền, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An cho biết: Khoảng 6 giờ ngày 31/3 gió lớn và sóng biển cao đánh úp nhiều tàu thuyền nhỏ đang neo đậu ở gần bờ. Tiếp đó, đến lượt lồng nuôi tôm hùm giống liên tục bị dồn vào bờ khiến tôm bị chết. Ngư dân nghe đài dự báo thời tiết có gió và áp thấp, nhưng không ngờ lại lớn đến thế.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế (đứng giữa) động viên ngư dân khắc phục thiệt hại do thiên tai. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Trực tiếp đi kiểm tra tại hiện trường khu vực có người mất tích và vùng ươm nuôi tôm hùm giống bị thiệt hại nặng ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu: Hiện nay vẫn còn người mất tích nên chính quyền huyện Tuy An phải phối hợp với người dân địa phương tập trung tìm kiếm. Đối với số tàu thuyền bị đánh chìm, lồng bè bị cuốn trôi, cần tập trung lực lượng cứu vớt, nhưng phải chú ý đảm bảo an toàn về người khi tham gia cứu hộ, cứu nạn. Thực tế cho thấy, sự chủ quan về diễn biến bất thường của thời tiết khiến thiệt hại về người và tài sản rất lớn. Các địa phương ven biển phải sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển khi có mưa lũ lớn xảy ra. Những diện tích lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 cần có phương án thu hoạch kịp thời để tránh ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.

Chú thích ảnh
 Lực lượng Công an và Quân đội được huy động để giúp ngư dân cứu vớt tàu thuyền. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đã có 12 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó 2 nhà sập hoàn toàn; 8 nhà bị tốc mái, hư hại; 1 Trường tiểu học tại huyện Đồng Xuân bị tốc mái hư hỏng khoảng 50%. Thống kê chưa đầy đủ đã có 91 tàu, thuyền bị chìm, trong đó huyện Tuy An: 33 chiếc; thị xã Sông Cầu: 23 chiếc; thành phố Tuy Hòa: 30 chiếc và thị xã Đông Hòa: 5 chiếc. Đối với lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 có 12.434ha trong giai đoạn trổ bông, chín sáp và chuẩn bị thu hoạch bị ngập nước và ngã đổ.

Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, liên tục theo dõi chặt chẽ các bản tin về áp thấp trên biển, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất để chủ động ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

Phạm Cường - Xuân Triệu (TTXVN)
Phú Yên: Ứng cứu các tàu cá bị mắc cạn do sóng đánh dạt vào bờ
Phú Yên: Ứng cứu các tàu cá bị mắc cạn do sóng đánh dạt vào bờ

Do sóng lớn kèm gió giật mạnh trên biển từ tối 30/3 đến rạng sáng 31/3, có 50 tàu cá của ngư dân huyện Tuy An và thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) bị sóng đánh chìm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN