Phú Thọ: Nhiều giải pháp tạo chuyển biến mới trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội

Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, chiều 8/12, Kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ, khóa XIX nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã bế mạc. Các đại biểu tập trung thảo luận, đưa nhiều giải pháp, tạo chuyển biến mới trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo; đồng thời thông qua 18 Nghị quyết quan trọng đối với phát triển trước mắt cũng như lâu dài của tỉnh.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Nhiều vấn đề được giải đáp kịp thời

Tại Kỳ họp lần này, các đại biểu đã dành thời gian để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, làm rõ vấn đề được cử tri trong tỉnh quan tâm, kiến nghị. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng thiếu giáo viên tại các bậc học, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Về vấn đề này, tổ đại biểu huyện Tân Sơn cho biết, năm học 2022 - 2023, tỉnh Phú Thọ thiếu 3.000 giáo viên, riêng bậc mầm non là 2.000 giáo viên, trong đó huyện Tân Sơn chiếm số lượng lớn. Còn lại là thiếu giáo viên Tin học, tiếng Anh ở cấp Tiểu học; giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cấp Trung học phổ thông.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cho biết, Sở chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương thực hiện luân chuyển, điều động giáo viên môn đặc thù dạy liên trường, liên cấp để bảo đảm đủ giáo viên ở các môn học. Về lâu dài, ngành sẽ đào tạo tại chỗ số giáo viên hiện có để đảm bảo việc dạy và học. Đối với môn Tin học sẽ định hướng đào tạo giáo viên có trình độ Trung cấp trở lên để dạy bậc Tiểu học, các môn Âm nhạc, Mỹ thuật trước mắt phải huy động giáo viên từ các trường khác. 

Một số đại biểu cho rằng, hiện nay, việc hạ cốt, san nền, xây dựng trái phép trên đất lúa, đất rừng đang xảy ra tại nhiều địa phương chưa xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong dân. Mới đây, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra tình trạng chia tách, “phân lô, bán nền” tại nhiều khu vực chưa được phép đầu tư cũng chưa được xử lý, ngăn chặn kịp thời, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, để xảy ra tồn tại này là trách nhiệm của các địa phương. Thời gian tới, Sở tổ chức lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý, phát hiện, xử lý vi phạm về đất đai…

Về vấn đề thiếu giáo viên tại các cấp học, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu yêu cầu, các đơn vị, địa phương đảm bảo ở đâu có việc, ở đó phải có người thực hiện nhiệm vụ, không vì giảm biên chế mà không thực hiện nhiệm vụ. Với tinh thần giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước chứ không giảm con người, ngành Giáo dục và Đào tạo cần sử dụng các nguồn lực khác như xã hội hóa hoặc tự chủ. Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương siết chặt quản lý đất đai, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…

Tạo chuyển biến mới trong phát triển kinh tế, xã hội

Phát biểu tại kỳ họp, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 hoàn thành, đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nhiều chỉ tiêu vượt cao như tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,7% vượt 1,2% so kế hoạch. Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện trên địa bàn ước đạt 38,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so năm 2021. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.411 tỷ đồng/dự toán 5.651 tỷ đồng, tăng 48,8% so dự toán giao. Tỷ lệ hộ nghèo 5,24%, giảm 0,64%, vượt kế hoạch...

Nhờ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, tính đến ngày 15/11/2022 có 874 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký đạt 12.430 tỷ đồng (tăng 27,78 % về số doanh nghiệp và 76,8% về số vốn đăng ký). Công tác cải cách thủ tục hành chính được chú trọng, 3 chỉ số tăng mạnh là chỉ số PCI tăng 2 bậc, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công - PAPI  tăng 32 bậc, xếp thứ 6/63 và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính - SIPAS tăng 8 bậc, xếp thứ 13/63.

Ông Bùi Văn Quang nhấn mạnh, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong năm tới, tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tiếp tục rà soát, hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng. Tỉnh huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là dự án hạ tầng đô thị, giao thông liên huyện, liên vùng; ưu tiên nguồn lực đầu tư dự án trọng điểm về giao thông như cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang, hạ tầng Khu công nghiệp Tam Nông, Hạ Hòa. Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh...

Bế mạc kỳ họp, ông Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ nhấn mạnh, ngay sau kỳ họp này, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khẩn trương thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh; khắc phục khuyết điểm, hạn chế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Phú Thọ phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7,5% trở lên; đưa tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt từ 63 triệu đồng trở lên; tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 43,5 nghìn tỷ đồng trở lên, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 6.109 tỷ đồng trở lên. Tỉnh cũng phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 19,6% trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 71% trở lên và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,5% trở lên.

Lâm Đào An (TTXVN)
HĐND tỉnh Lâm Đồng: Bầu, miễn nhiệm một số chức danh quan trọng
HĐND tỉnh Lâm Đồng: Bầu, miễn nhiệm một số chức danh quan trọng

Trong hai ngày 8-9/12, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN