Ông Bùi Văn Thiệu, người dân khu 14 cho biết, sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng. Tình trạng nước lên, chảy xiết như những ngày gần đây tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mạnh, ăn sâu vào phía trong khu dân cư. Người dân rất hoang mang. “Trước đây, gia đình có 1 mẫu đất bãi tương đương với 3.600m để trồng chuối với chiều dài khoảng 130m tính từ mép đất bãi bên trong ra phía sông. Thế nhưng, đến nay chỉ còn khoảng hơn 20m, diện tích đất sạt lở mất hơn 1 nửa, thiệt hại khoảng 70 triệu đồng/năm so với trước”, ông Thiệu chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Quân, Trưởng khu 14, xã Bản Nguyên cho biết, khu 14 có khoảng 700m chạy dọc bãi đất bồi trồng chuối của bà con đang bị sạt lở nghiêm trọng, nếu không được xử lý, nguy cơ sẽ sạt lở vào tận nhà dân. Hiện, có điểm sạt lở chỉ cách nhà dân khoảng 25m. Bên cạnh đó, sạt lở đã làm khoảng 355m đã được kè trước đó bị trôi xuống sông. Đây là tuyến kè bảo vệ cho hơn 1.000 hộ dân của xã Bản Nguyên và Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao). Nguy hiểm hơn, trong khu vực gần sông đã xuất hiện nhiều cung sạt kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị sạt lở mạnh.
Theo ông Nguyễn Đình Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Nguyên, xã đang theo dõi sát sao diễn biến của mưa, bão, tình trạng sạt lở, đặc biệt là việc sạt lở phức tạp ở khu 14. Trước mắt, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, cơ quan chức năng và người dân hai xã Vĩnh Lại, Bản Nguyên đã cắm biển cảnh báo không cho người, gia súc ra khu vực sạt lở; bố trí lực lượng theo dõi diễn biến tình hình sạt lở, thực hiện khoanh vùng, có biện pháp để bảo đảm an toàn cho người dân.
Chủ tịch UBND xã Bản Nguyên Vương Văn Ưng cho rằng, mưa lớn khiến mực nước dâng cao tạo ra dòng chảy xiết, cộng với kết hợp phía bờ hữu và giữa lòng sông có bãi bồi lớn làm dòng chảy thay đổi, dòng chủ lưu áp sát bờ khiến bờ, vở sông bị sạt lở trên thượng nguồn sông Thao gần đây.
Ngày 26/7, UBND xã Bản Nguyên đã có văn bản gửi UBND huyện Lâm Thao báo cáo về việc sự cố sạt lở bờ, vở sông và xói lở chân kẻ Bản Nguyên.
Văn bản nêu rõ, thượng nguồn sông Thao xảy ra một số đợt mưa to diện rộng, mực nước sông Thao thường xuyên dao động tạo dòng chảy xiết, kết hợp phía bờ hữu và giữa lòng sông có bãi bồi lớn làm dòng chảy sông Thao thay đổi, dòng chủ lưu áp sát bờ tả, lòng sông trong khu vực bị xói sâu gây sạt lở nghiêm trọng đoạn bờ, vở sông đê tả Thao thuộc địa bàn xã Bản Nguyên với chiều dài sạt lở khoảng 655m, trong đó gây sạt lở khoảng 355m kè Bản Nguyên. Tuyến kè này bảo vệ cho trên 1.000 hộ dân của hai xã Bản Nguyên và Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao.
Qua theo dõi diễn biến sạt lở, hiện trong khu vực xuất hiện nhiều cung sạt kéo dài có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở mạnh. Đoạn sạt lở trên, nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây mất ổn định tuyến kè Bản Nguyên, uy hiếp đến an toàn công trình đê điều, tính mạng, tải sản của nhân dân trong khu vực…
Căn cứ vào báo cáo của xã Bản Nguyên, ngày 27/7, UBND huyện Lâm Thao có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cho xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ, vở sông trên.
Sau khi kiểm tra thực tế tại hiện trường và căn cứ những văn bản báo cáo của Chi cục Thủy lợi, UBND huyện Lâm Thao, ngày 2/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo sự cố sạt lở bờ, vở sông và xói lở chân kè Bản Nguyên đoạn tương ứng từ K87+800-K88+455 đê tả sông Thao, thuộc địa bàn xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 30 tỷ đồng từ nguồn xử lý cấp bách sự cố đê điều năm 2023 để xử lý khẩn cấp sự có sạt lở trên
Trong buổi kiểm tra tình trạng sạt lở bờ, vở sông tại xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan giao Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai phối hợp với tỉnh Phú Thọ khảo sát, báo cáo Bộ tổng hợp, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực và an toàn công trình đê điều.
Trước mắt, Bộ trưởng yêu cầu huyện Lâm Thao chỉ đạo cắm biển cảnh báo không cho người, gia súc ra khu vực sạt lở; bố trí lực lượng theo dõi diễn biến tình hình sạt lở, thực hiện khoanh vùng, có biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân.