Cảng Tân Cảng Cái Cui là cảng container chuyên dụng với 6.000 m2 kho, cảng được trang bị các phương tiện xếp dỡ hiện đại cho cả hàng container và các loại hàng rời, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của các hãng tàu và phát triển kinh tế vùng. Đây là cảng do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đầu tư giai đoạn 1 với diện tích hơn 7 ha, chiều dài cầu tàu 180m, 2 cẩu Liebherr có thể xếp dỡ 40 container/giờ, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 tấn.
Nằm cạnh cảng Tân Cảng Cái Cui là Chi nhánh Cảng Cái Cui thuộc Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ. Cảng này được thành lập vào năm 2006 trên diện tích 40 ha, cầu cảng dài 165m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 10.000 tấn. Năm 2016, sản lượng hàng hóa thông qua cảng là 700.000 tấn, giảm hơn 300.000 tấn so với năm 2015.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khảo sát tại Chi nhánh Cảng Cái Cui. |
Phát biểu tại buổi làm việc với Chi nhánh Cảng Cái Cui, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đầu tư cho vận tải thủy trong giai đoạn trước chiếm chưa đến 10% trong tổng kết cấu đầu tư của vùng. Trong khi đó, đồng bằng sông Cửu Long có mật độ sông ngòi dày đặc, cứ 1 km2 thì có
hơn 0,7 km sông ngòi nhưng vận tải thủy của khu vực này còn rất yếu. Bên cạnh đó, khả năng kết nối đường thủy cũng bị ảnh hưởng bởi những cảng hiện có.
Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu của Chi nhánh Cảng Cái Cui phải là cho hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực. Bởi hiện nay, 80% lượng hàng của Thành phố Hồ Chí Minh đi ra quốc tế phải về Cảng Sài Gòn và trong đó lại có 80% lượng hàng phải đi bằng đường bộ. Thế nhưng, cảng Cái Cui hiện mới chỉ có thể đáp ứng được tàu có trọng tải nhỏ, ngay cả năng lực bốc xếp cũng còn hạn chế do liên quan đến quy hoạch, cơ sở hạ tầng giao thông… Vì vậy, Chi nhánh Cảng Cái Cui và Tân Cảng Cái Cui cần liên kết với nhau để cùng phát triển.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có hai nơi là có thể thành lập được trung tâm logistics lớn là Long An và Cần Thơ. Trung tâm logistics không chỉ đóng vai trò kết nối các loại hình phương tiện vận tải mà còn giúp liên kết vùng và kết nối ra quốc tế rất thuận lợi.
"Có thể thấy, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước sẵn sàng đến Cần Thơ để đầu tư nhưng thành phố phải có quy hoạch rõ ràng và có cơ chế để phát triển", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Theo đó, Phó Thủ tướng gợi ý các đơn vị có thể phối hợp với nhau để thành một công ty cổ phần, từ đó có thể khai thác được tiềm năng của vận tải thủy; các Bộ, ngành, địa phương cần hợp lực lại, làm sao để tạo được một trung tâm logistics lớn của khu vực, giúp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.