Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm giải đáp các thông tin và phổ biến, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống dịch bệnh sáng ngày 2/1.
* Việt Nam có thêm 1 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện có 4 công dân Việt Nam bị lây nhiễm bệnh. Cụ thể, trên cả nước đã ghi nhận tích luỹ 153 trường hợp nghi ngờ, trong đó có 6 trường hợp mắc, trong đó 2 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam có tiền sử đi về từ Vũ Hán, Trung Quốc và trường hợp mới nhất của nữ bệnh nhân tỉnh Khánh Hoà.
Đây nữ là lễ tân tại khách sạn có tiếp xúc gần với 2 trường hợp người bệnh (người Trung Quốc) ngày 17/1/2020. Bên cạnh đó, 120 trường hợp nghi ngờ đã được xét nghiệm đã loại trừ 28 trường hợp nghi ngờ đang được cách ly theo dõi, điều trị, chờ kết quả xét nghiệm; 49 trường hợp tiếp xúc gần đang được theo dõi sức khỏe.
So với ngày 30/1/2020, tăng 11 trường hợp nghi ngờ, tăng 4 trường hợp mắc, đã loại trừ thêm 55 trường hợp, số trường hợp nghi ngờ đang được cách ly theo dõi, điều trị, chờ kết quả xét nghiệm giảm 4 ca; tăng 6 trường hợp nghi ngờ tiếp xúc gần đang được theo dõi sức khỏe.
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 21 giờ ngày 31/1/2020, thế giới đã ghi nhận 9.958 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 213 trường hợp tử vong. So với ngày 30/1/2020: Số ca mắc tăng 1.816 trường hợp, số tử vong tăng 43 ca. Tại Trung Quốc đã ghi nhận 9.810 trường hợp mắc bệnh tại tất cả 31 tỉnh, thành phố.
Trên thế giới ghi nhận 24 quốc gia và vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) có người bị nhiễm nCoV; ghi nhận 148 trường hợp bệnh, trong đó Thái Lan 19 trường hợp, Singapore 16, Nhật Bản 15, Hồng Kông (Trung Quốc) 12, Hàn Quốc 11, Australia 9, Đài Loan (Trung Quốc) 9, Malaysia 8, Ma Cao (Trung Quốc) 7, Pháp 6, Mỹ 6, Đức 6, Việt Nam 6, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất 4, Canada 3, Italia 2, Anh 2, Nga 2; Campuchia 1, Phần Lan 1, Ấn Độ 1, Nepal 1, Philippines 1, Srilanka 1.
Ngày 31/1/2020, Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh do nCoV đang xảy ra tại Trung Quốc và các trường hợp mắc virus này tại các quốc gia khác là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.
* Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch
Trước tình hình dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, Bộ đã triển khai nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gồm chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona; Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/1/2020 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt. Do đó, để tăng cường hiệu quả của hoạt động phòng chống dịch nCoV, Bộ Y tế đề xuất thành lập 5 Đoàn đi kiểm tra các địa phương, nhất là những tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc do lãnh đạo của các cơ quan làm trưởng đoàn gồm: Ban Tuyên giáo Trung ương (Đoàn 1), Bộ Công an (Đoàn 2), Bộ Quốc phòng (Đoàn 3), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Đoàn 4), Bộ Y tế (Đoàn 5). Các đoàn công tác đều có các cán bộ chuyên môn của ngành y tế tham gia phục vụ hoạt động phòng chống dịch.
Bộ Y tế đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện việc cấm các tour du lịch và cấm nhập cảnh đối với người đến từ vùng có dịch, tăng cường quản lý người ra, vào cửa khẩu, đặc biệt là các cửa khẩu với Trung Quốc.
Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cùng với Bộ Y tế xác định rõ tiêu chí vùng có dịch trong và ngoài nước để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Cụ thể, ngày 29/1/2020, Bộ Y tế có công văn số 98/KCB-QLCL&CĐT yêu cầu các đơn vị công bố danh sách và địa chỉ các cơ sở có khả năng thu dung và điều trị; thành lập ban chỉ đạo, đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh nCoV, công bố số điện thoại đường dây nóng để chỉ đạo kịp thời.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế để có đề xuất với UBND tỉnh, thành phố về việc tạm thời cho học sinh nghỉ học.
Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có hướng dẫn về việc hạn chế quy mô và rút ngắn thời gian tổ chức các lễ hội, hạn chế tập trung đông người. Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị, Bộ đội Biên phòng thực hiện ngăn chặn người từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua các đường mòn, lối mở; Bộ Giao thông Vận tải có biện pháp ngăn người từ vùng dịch vào Việt Nam; Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế, chính quyền địa phương thực hiện giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không tuân thủ các quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm hoặc trốn khỏi nơi cách ly, gây nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Bộ Y tế và các Bộ, ngành khuyến cáo người dân nên sử dụng khẩu trang đúng tiêu chuẩn khi tiếp cận đối tượng có nghi ngờ nhiễm nCoV, người về từ vùng có dịch, khu vực có nguy cơ cao và tại các cơ sở y tế; sử dụng các loại khẩu trang thông thường nơi công cộng góp phần tránh bụi và phòng chống dịch bệnh.
* Không phát sinh dịch trong dịch
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam thực hiện phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra trên tinh thần chủ động, quyết liệt “luôn luôn đặt mức sẵn sàng, cao hơn mức bình thường” và là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể.
“Sẵn sàng đặt cao hơn và sớm hơn so với các dịch bệnh trước đây như dịch H1N1, SART… cũng như khuyến nghị của các tổ chức y tế thế giới. Trên tinh thần, tính đến tình huống xấu hơn, thậm chí tình huống xấu nhất để nhằm mục đích không có tình huống không xấu hơn và không phải đối phó với tình huống xấu nhất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có tinh thần trách nhiệm, chủ động, không chỉ tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng mà còn vận động qua các tổ chức chính trị-xã hội, để người dân yên tâm tin tưởng, không dao động.
Đến nay, dịch nCoV chưa có thuốc đặc trị, do đó, công tác phòng chống, tập trung nhận biết, cách ly cần được thực hiện nghiêm theo quy định của ngành Y tế. Đây là biện pháp căn bản cần tập trung thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
“Minh bạch toàn bộ thông tin về các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm, trường hợp cách ly cộng đồng… để người dân nhận thức rõ tình trạng, từ đó có các giải pháp cùng tham gia phòng chống dịch”, Phó Thủ tướng nêu rõ. Bên cạnh đó, việc tập trung phòng, chống dịch nCoV nhưng không quên nhiệm vụ phòng chống các dịch bệnh khác. Việc phun thuốc phòng, chống dịch chưa thể đặc trị virus nCoV nhưng có tác dụng kiềm chế sự phát triển của virus, đặc biệt không phát sinh dịch trong dịch; qua đó, hình thành thói quen tốt trong thực hành chống dịch; củng cố thói quen, phương thức của người dân, ngành Y tế, các cơ quan khi phòng, chống các loại dịch bệnh.
“Công tác phòng, chống dịch được thực hiện quyết liệt, trách nhiệm, chủ động nhưng phải bình tĩnh, không gây hoang mang trong dư luận”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng thực hiện có trách nhiệm, đưa các biện pháp cụ thể, quyết liệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc từ các cấp cơ sở để dịch bệnh khống chế được, không để lây lan trong cộng đồng.