Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với tỉnh Vĩnh Long

Ngày 7/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Long về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, giáo dục và đào tạo của tỉnh.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Điển hình như kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021, Vĩnh Long là một trong 10 tỉnh đứng đầu của cả nước. Tỉnh cần tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được, đồng thời tập trung phát triển mạnh hơn về giáo dục đại học. Vĩnh Long đang có điều kiện khá tốt với 3 trường đại học đặt trên địa bàn.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh quan tâm giải quyết căn cơ vấn đề biên chế trong ngành Giáo dục trên cơ sở giảm số lượng giáo viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bước đầu xác định lựa chọn những nơi có đủ điều kiện để làm thí điểm; cần có những mô hình đào tạo sáng tạo, phục vụ nguồn nhân lực cho cả vùng; tập trung xây dựng văn hóa mẫu mực trong trường học.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long nói riêng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học khu vực phía Bắc tổ chức chương trình trao đổi sinh viên nhằm tăng cường giao lưu văn hóa giữa các vùng miền. Bên cạnh đó, tỉnh cần tìm ra giá trị của văn hóa, tự nhiên, con người địa phương để tạo nên độc đáo riêng phục vụ phát triển du lịch trong bối cảnh chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ tỉnh thực hiện Dự án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đề án Di sản đương đại Mang Thít trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, mặc dù xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng dư địa phát triển của Vĩnh Long vẫn chưa được phát huy đúng mức. Muốn làm du lịch phải có 3 yếu tố gồm: hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch và nhân lực du lịch. Vĩnh Long hiện chưa có nhà đầu tư chiến lược nào quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Thời gian tới, Bộ sẽ đồng hành cùng với tỉnh để nghiên cứu phát triển du lịch của địa phương. Bộ ưu tiên phối hợp Hiệp hội Du lịch và tỉnh tổ chức Diễn đàn Du lịch về Vĩnh Long với sự tham gia của các doanh nghiệp để giới thiệu, quảng bá và thu hút đầu tư vào các dự án phát triển du lịch của địa phương, từng bước khai thác dư địa phát triển du lịch của tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, vấn đề trọng tâm của ngành Giáo dục và đào tạo hiện nay là triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là lần thay đổi sâu cả về phương thức, triết lý; phạm vi đối tượng tác động rất rộng từ mầm non đến phổ thông; tốc độ triển khai diễn ra rất nhanh. Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long cần có những tham mưu tổng thể cho lãnh đạo tỉnh cho năm học 2022 - 2023 và các năm tiếp theo. 

Tỉnh cần quan tâm triển khai các nội dung đổi mới chiều sâu của ngành Giáo dục và Đào tạo hiện nay như: Đề án sức khỏe học đường; rèn luyện đạo đức, lối sống, lý tưởng; văn hóa học đường; phòng, chống bạo lực học đường; chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh, dù còn nhiều khó khăn, song tỉnh luôn quan tâm phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, triển khai các giải pháp đảm bảo hài hòa với mục tiêu, quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh cũng như trong vùng.

Hiện tỉnh có đủ 3 thiết chế văn hóa. Hằng năm, tỉnh tổ chức trên 900 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng; duy trì hoạt động trên 468 câu lạc bộ, đội, nhóm, sở thích; tổ chức trên 18.500 buổi sinh hoạt, qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân.

Toàn tỉnh đã có 65 di tích được xếp hạng, gồm 11 di tích quốc gia, 54 di tích cấp tỉnh. Công tác phát huy các giá trị di tích gắn với phát triển du lịch được chú trọng. Thể thao thành tích cao được quan tâm đổi mới cách làm, nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo vận động viên, xác định các môn thể thao mũi nhọn có thế mạnh của tỉnh để ưu tiên đầu tư. Đến nay, thể thao thành tích cao của Vĩnh Long xếp hạng 4/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và hạng 16/65 đơn vị tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm khảo sát, nghiên cứu, lập đề án và phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch; tập trung thực hiện hai đề án lớn là Dự án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đề án Di sản đương đại Mang Thít.

Về giáo dục và đào tạo, hai năm qua, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng ngành Giáo dục địa phương vẫn thực hiện được mục tiêu kép, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đảm bảo được chất lượng và sự an toàn cho giáo viên, học sinh. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại với tỷ lệ phòng học kiên cố là 90,91%. Tính đến tháng 2/2022, toàn tỉnh có 257/412 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục ở các cấp học qua các năm giữ ổn định và được nâng lên, đi vào chiều sâu. Kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021, điểm trung bình thi Vĩnh Long xếp thứ 8/63 tỉnh, thành trên toàn quốc.

Về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, tỉnh đã có những chuẩn bị tích cực về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kết quả triển khai những năm đầu tiên đạt yêu cầu đề ra. Tỉnh đang tập trung chuẩn bị triển khai chương trình ở lớp 3, lớp 7, lớp 10, trong đó đội ngũ giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ đối với lớp 3 cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Chú thích ảnh
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. 

Tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Chính phủ quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện giúp tỉnh triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đề án Di sản đương đại Mang Thít. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ưu tiên hỗ trợ tỉnh nguồn vốn từ Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện tu bổ tôn tạo các di tích trọng điểm, di tích cấp quốc gia.

Chính phủ tiếp tục tăng cường các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần có tiêu chí phân bổ đặc thù. Chính phủ có chính sách phát triển hệ thống các trường nghề đáp ứng yêu cầu phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông để phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao.

Phạm Minh Tuấn (TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quyết định mở cửa lại cho du khách quốc tế là một lộ trình thận trọng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quyết định mở cửa lại cho du khách quốc tế là một lộ trình thận trọng

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, quyết định chính thức mở cửa lại cho khách du lịch quốc tế là một lộ trình rất thận trọng, lúc đầu các bộ đề nghị mở cửa vào dịp 30/4 - 1/5, sau đó rút xuống 30/3 và nay chính thức là 15/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN