Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên dự cuộc họp.
Dấu hiệu tích cực ban đầu
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố đã có những dấu hiệu tích cực ban đầu, số ca mắc mới đang “đi ngang”. Trong 7 ngày gần đây (từ 4-10/8), Thành phố ghi nhận trung bình 3.756 ca mắc/ngày, trong đó, 81% số ca ở khu cách ly, khu phong tỏa, 19% sàng lọc tại bệnh viện. Hệ số lây nhiễm hiện khoảng 0,78%, trong khi đầu tháng 5 từ 3-3,5%, đầu tháng 7 từ 1,7-2%, đầu tháng 8 khoảng 1,2%.
Đến nay, Thành phố đã điều trị khỏi 62.986 ca, đang điều trị cho 32.629 ca, trong đó có 10.421 ca F0 không triệu chứng, đang được điều trị tại nhà, 12.290 ca F0 đã được điều trị trên 7 ngày (có nồng độ virus từ 30% trở lên) đã được về nhà để theo dõi sức khỏe.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết: “Siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các tổ dân phố, khu phố, ấp trên địa bàn Thành phố tích cực tổ chức nhân rộng “vùng xanh” an toàn, không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong. Cùng với đó, đã xuất hiện nhiều mô hình thiết thực như: ATM oxy, taxi chuyển bệnh cấp cứu, Tổ Y tế lưu động, tiêm vaccine tại nhà, tư vấn COVID-19 trực tuyến…”.
Trong công tác điều trị, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đã tập trung cấp cứu để giảm F0 chuyển nặng; phối hợp với Bộ Y tế đưa vào hoạt động thêm 4 Trung tâm Hồi sức tích cực quy mô 1.750 giường; nâng cao năng lực của Trung tâm Cấp cứu 115; thành lập 5 cơ sở cấp cứu vệ tinh của Trung tâm Cấp cứu 115; kiện toàn Tổ phản ứng nhanh cấp cứu và bố trí hệ thống xe taxi chuyển đổi công năng phục vụ cấp cứu tại từng phường, xã, thị trấn và hướng dẫn quy trình tiếp nhận, trang thiết bị theo xe, sơ cứu ban đầu; rà soát, bổ sung đầy đủ trang thiết bị cho các cơ sở điều trị…
Cùng với đó, Thành phố đã thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân; tổ chức cung cấp các “Túi an sinh xã hội” (trị giá 500.000 đồng/túi) cho khoảng 400.000 hộ nghèo, cận nghèo, người lao động… có hoàn cảnh khó khăn. Tận dụng thời điểm giãn cách xã hội, Thành phố đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19, kể cả tiêm buổi tối; lũy kế đến nay đã tiêm được 3,5 triệu liều.
Thành phố đã hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ thứ nhất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với tổng kinh phí trên 700 tỷ đồng. Gói thứ 2 đang được triển khai với tổng kinh phí hơn 900 tỷ đồng. Các địa phương đã tổ chức hỗ trợ từ nguồn vận động với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Thành phố đã ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ, động viên các lực lượng tham gia phòng, chống dịch với khoảng 460 tỷ đồng. Đồng thời, Thành phố quyết định hỗ trợ toàn bộ chi phí tẩn liệm, vận chuyển, hỏa thiêu, giao tro cốt cho người thân của người mất với mức hỗ trợ 17 triệu đồng/trường hợp, từ nguồn ngân sách Thành phố.
Bên cạnh kiến nghị Chính phủ phân bổ liên tục, đủ số lượng vaccine để phủ tạo miễn dịch cộng đồng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch của địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông; không kiểm tra các phương tiện có giấy nhận diện (có mã QR) tại các chốt trên đường.
Ông Nguyễn Thành Phong đề xuất, tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch ra vào các tỉnh, thành phố bố trí lực lượng Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông để kịp thời giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh. Bộ Giao thông vận tải công bố số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận phản ánh, hướng dẫn giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện trong quá trình vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố…
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương, nhất là hỗ trợ thiết thực từ mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” do Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam thành lập, để hướng dẫn, tư vấn sức khỏe cho người mắc và nghi mắc COVID-19; hỗ trợ y tế địa phương sàng lọc trường hợp thật sự cần được chăm sóc y tế hay chuyển đến bệnh viện khẩn cấp.
Quan tâm đến lực lượng giao hàng
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ ghi nhận những điều chỉnh quan trọng trong công tác phòng, chống dịch của TP Hồ Chí Minh những ngày gần đây, trong đó đã chú trọng hơn đến việc củng cố, mở rộng “vùng xanh” an toàn trên toàn địa bàn. Bên cạnh đó, các quận, huyện đã chủ động, sáng tạo, tăng cường năng lực điều trị ngay từ tầng 2, tầng 3. “Tuy nhiên, Thành phố phải khắc phục tình trạng, vẫn có bệnh nhân cần đến bệnh viện những không có chỗ vào”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Để người dân không phải ra ngoài mua sắm, Thành phố phải tổ chức hoạt động tốt cho các lực lượng giao hàng, có điều chỉnh quy định hợp lý để bảo đảm giao hàng an toàn. Ngoài việc tổ chức tiêm vaccine, tạo dấu hiệu nhận diện qua mã QR-code, Thành phố phải tổ chức xét nghiệm định kỳ, yêu cầu lực lượng giao hàng thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, đặc biệt phải giữ khoảng cách. Thành phố cần xem xét lập các điểm giao hàng trung chuyển ở cấp quận, huyện để người giao hàng bằng xe máy di chuyển trong từng khu vực hẹp của quận, huyện; giữa các quận, huyện, vận chuyển hàng bằng xe tải. Sau thời gian thực hiện giãn cách, Thành phố cần xem xét phương án từng bước mở lại các điểm bán hàng, không phân biệt chợ, siêu thị, quan trọng nhất phải đảm bảo an toàn.
“Trong lúc đợi hướng dẫn chung, Thành phố cần có hỗ trợ về tín dụng cho lượng lớn người giao hàng đang vay nợ ngân hàng để mua phương tiện hành nghề”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, vấn đề Phó Thủ tướng đưa ra không chỉ đúng với Thành phố mà trên toàn quốc; đồng thời khẳng định sẽ chỉ đạo khẩn trương giải quyết, hỗ trợ lực lượng giao hàng.
Đánh giá cao việc đưa nhiều gói an sinh xã hội đến người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Thời gian giãn cách xã hội càng lâu, càng có thêm nhiều người gặp khó khăn, phải huy động tất cả các lực lượng, từ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện tham gia để bảo đảm không có ai bị thiếu thốn”.
Về lâu dài, TP Hồ Chí Minh cần chuẩn bị cho việc, sau khi đã tiêm đủ vaccine cho người dân, bên trong Thành phố sẽ trở lại trạng thái bình thường mới (tương tự như một số nước phát triển, đã có miễn dịch cộng đồng), nhưng khác với các khu vực còn lại của đất nước; bên ngoài là một vành đai kiểm soát chặt chẽ người ra vào nhằm hạn chế lây nhiễm ra các địa phương khác.
Phó Thủ tướng khẳng định, đến nay, Chính phủ luôn ưu tiên vaccine ở mức cao nhất cho Thành phố. Tuy nhiên, từ nay đến giữa tháng 9, lượng vaccine sẽ về rất ít (dự kiến, tháng 8/2021 có khoảng 3,1 triệu). Nếu dành toàn bộ số vaccine này cho TP Hồ Chí Minh cũng chưa đủ để đạt miễn dịch cộng đồng; trong khi đó, đến nay, các tỉnh tiếp giáp với Thành phố (như Đồng Nai, Bình Dương, Long An) cơ bản đã tiêm hết vaccine được phân bổ.
Liên quan đến kiến nghị của Thành phố trong việc xe chở hàng hóa gặp khó khăn qua các chốt kiểm soát, Phó Thủ tướng cho biết, về nguyên tắc bảo đảm lưu thông tối đa hàng hóa trên tinh thần an toàn. Tuy nhiên, hiện nay, các lực lượng đang thực hiện chống dịch theo chiến lược vùng, các tỉnh Nam Sông Hậu, Bến Tre, Sóc Trăng, Bình Phước… cố gắng kiểm soát dịch bệnh. Do đó, lực lượng công an, quân đội đã triển khai các chốt chặn trên vành đai để giữ an toàn cho “vùng xanh” xung quanh Thành phố.
Cùng với việc tiếp tục rà lại các quy định, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho hoạt động vận tải hàng hóa, Phó Thủ tướng yêu cầu Thành phố tăng cường xét nghiệm cho đội ngũ lái xe. Thực tế, ngay tại TP Hồ Chí Minh, đã có trường hợp lái xe âm tính với SARS-CoV-2 vào buổi sáng nhưng đến chiều lại cho kết quả dương tính.