Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết năm 2017, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền 72 văn bản thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; chỉ đạo xây dựng và triển khai 39 đề tài nghiên cứu khoa học về giáo dục, khảo sát, đánh giá tác động để xây dựng cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản; hoàn thành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Bộ hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi. Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra thi, đánh giá học sinh phổ thông được tích cực thực hiện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ đã ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông, tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa. Để khắc phục tình trạng lạm thu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập hai đoàn thanh tra đột xuất tại 8 địa phương xảy ra tình trạng lạm thu. Kết quả bước đầu cho thấy có xảy ra tình trạng lạm thu tại một số cơ sở giáo dục...
Sau khi có kết quả thanh tra, Bộ đã đề nghị UBND các tỉnh có biện pháp xử lý nghiêm, thích đáng đối với thủ trưởng cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu, kiến nghị Chính phủ về trách nhiệm của các địa phương để xảy ra lạm thu. Bộ tiếp tục hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác thanh tra năm học 2017- 2018; rà soát các văn bản để bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thưc hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường thanh, kiểm tra tại các địa phương để kịp thời chấn chỉnh, kiến nghị xử lý các sai phạm, đặc biệt là xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu...
Quý I/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật Giáo dục đại học; hoàn thành 12 văn bản để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ tiếp thu ý kiến góp ý rộng rãi của xã hội về dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục; ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, trong đó nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình xây dựng, triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu.
Chuẩn bị cho Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia và xét tuyển Đại học năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi Trung học Phổ thông quốc gia và xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông hiện hành; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo chính quy. Bộ tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi, xây dựng đề tham khảo kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia và sẽ công bố vào cuối tháng 1/2018.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Nhằm góp phần giải quyết triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương và tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm, Bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ chỉ tiêu đào tạo sư phạm trong những năm tới. Bộ yêu cầu các trường sư phạm (trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) xây dựng khái toán thực tế kinh phí cấp bù sư phạm và đào tạo, bồi dưỡng gắn với chương trình đào tạo theo hướng dẫn.
Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cấp, ngành thực hiện tổng rà soát, thống kê hiện trạng đội ngũ giáo viên hiện có, tính toán số lượng giáo viên thừa/thiếu cục bộ theo từng môn học, cấp học, tổng hợp nhu cầu về giáo viên phổ thông từ năm học 2018-2019 đến năm học 2022-2023 để Bộ có căn cứ chính xác khi giao chỉ tiêu đào tạo sinh viên sư phạm cho các trường theo nhu cầu của địa phương từ năm 2018... Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định năm 2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm giảm bệnh thành tích trong giáo dục.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong quý I và cả năm 2018, ngành Giáo dục- Đào tạo phải sát từng việc, từng bậc học để chỉ đạo cụ thể, làm đến cùng như: giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên; chuẩn bị cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mới; sửa đổi các tiêu chí thi đua phù hợp thực tế địa phương; sắp xếp các trung tâm, cơ sở giáo dục dạy nghề; bỏ bộ chủ quản đối với các trường đại học tự chủ; xem xét, phát triển trường chuyên, lớp chọn gắn với xã hội hóa giáo dục.
Phó Thủ tướng lưu ý ngành Giáo dục phải coi trọng, thực hiện nghiêm túc công tác đào tạo con người, giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh, từ các khẩu hiệu dạy và học, thái độ lễ phép với người lớn đến hát quốc ca khi chào cờ, tập thể dục giữa giờ, tham gia lao động, xây dựng môi trường học tập lành mạnh trong trường học.
Hội nghị đã thống nhất một số nội dung, nhiệm vụ mà các bộ ngành thuộc khối giáo dục, đào tạo cần thực hiện ngay trong quý 1/2018. Về bậc học Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành văn bản tháo gỡ vướng mắc của các cơ sở giáo dục mầm non, nhóm trẻ tư thục, điểm giữ trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng miền núi về thủ tục, tiêu chí thành lập trường lớp, tiêu chuẩn giáo viên. Bộ tập trung hoàn thiện, tiếp thu toàn bộ ý kiến góp ý đối với chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm yêu cầu giảm tải, để chuẩn bị cho công tác biên soạn sách giáo khoa vào đầu quý II theo đúng kế hoạch. Bộ hoàn thiện hệ thống số liệu, thống kê về tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở từng môn, từng địa bàn phục vụ cho việc lập kế hoạch đào tạo mới, tập huấn, bồi dưỡng lại giáo viên theo chương trình mới; rà soát lại, cụ thể hóa các tiêu chí thi đua của các trường theo tinh thần mới, khắc phục bệnh thành tích và phấn đấu ban hành trong quý 2, chuẩn bị triển khai trong năm học mới 2018 - 2019.
Trong quý 1/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng, ban hành quy chế hoạt động dạy nghề; thống nhất định hướng quy hoạch mạng lưới đại học, cao đẳng, trường nghề theo hướng tăng cường liên thông, liên kết, hợp tác, tiến tới tổ chức lại những nơi hoạt động hiệu quả. Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, chỉ đạo thực hiện "mô hình mẫu" tự chủ, bỏ bộ chủ quản đối với 1-2 trường đại học trực thuộc về tổ chức bộ máy, hội đồng trường, chuyên môn, tài chính… để các cơ sở giáo dục đại học khác làm theo; đẩy mạnh sự tham gia của các cơ sở giáo dục, trường đại học vào đề án Hệ tri thức Việt số hóa...