Dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Ninh Bình, một số tỉnh, thành, cùng đông đảo nhân dân huyện.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trao Bằng công nhận huyện Kim Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cho biết, Ninh Bình luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Tính đến nay, tất cả số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để giữ vững và phát triển các tiêu chí đã đạt được, phấn đấu đạt những thành tựu to lớn hơn, phát triển vùng biển Kim Sơn trở thành hành lang kinh tế, động lực tăng trưởng mới, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện tiếp tục bám sát các chủ trương, quan điểm, định hướng phát triển của đất nước và tỉnh; xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, phù hợp và triển khai với tinh thần quyết tâm cao.
Qua đó phấn đấu đến năm 2025 Kim Sơn có ít nhất 50% số xã được công nhận xã nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hướng tới các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.
Huyện tập trung hoàn thiện các quy hoạch, xác định đúng, đầy đủ giá trị nổi trội, tiềm năng, lợi thế riêng có và định hướng phát triển tốt nhất cho từng vùng, từng địa phương, bám sát, chủ động tham gia cùng với tỉnh trong quá trình thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; tiếp tục coi trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhất là giáo dục và đào tạo; tăng cường công tác quy hoạch và quản lý nhà nước về đất đai; đầu tư; trật tự xây dựng, hành lang giao thông…
Ông Trần Xuân Trường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết, trải qua 194 năm, với hàng chục lần quai đê lấn biển cùng phương châm “Lúa lấn cói, cói lấn sú vẹt, sú vẹt lấn biển”, huyện hiện có diện tích 239,78 km2, dân số trên 187 nghìn người, trong đó có gần 50% dân số là người theo đạo Công giáo sinh sống tại 23 xã và 2 thị trấn.
Sau 11 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay 100% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 33 thôn, xóm được công nhận thôn, xóm nông thôn kiểu mẫu; hai thị trấn được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.
Cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất chuyển dịch nhanh, hiệu quả; đến hết năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt gần 534 tỷ đồng; giá trị trên 1ha canh tác đạt 196 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, gấp 5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5%. Các lĩnh vực y tế - văn hóa - giáo dục được quan tâm đầu tư, nâng cao cả về cơ sở vật chất, chất lượng và hiệu quả hoạt động; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố vững chắc.