Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng về Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, hiện nay, Bộ đang phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết 2 Nghị quyết quan trọng của ngành: Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo đó, nhiều quan điểm mới về quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được nghiên cứu, dự kiến trình Trung ương cho ý kiến như: Vấn đề quản lý nhà nước về hoạt động đổi mới sáng tạo, việc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong hoạt động nghiên cứu, vấn đề mô hình, cơ chế hoạt động của các Quỹ.
Bộ cũng đang tập trung hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng. Trước đó, ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Bộ đang trình Chính phủ xem xét ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết quan trọng này.
Về xây dựng pháp luật khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong nhiệm kỳ này, Bộ đăng ký sửa đổi, bổ sung 5 Luật: Sở hữu trí tuệ, Khoa học và Công nghệ, Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Năng lượng nguyên tử. Trong số này, Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Như vậy, có thể nói, đến trước năm 2026, cơ bản hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ được rà soát, sửa đổi, bổ sung.
Đối với văn bản ở cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ đang tập trung rà soát các nghị định của Chính phủ về cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ và nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học công nghệ công lập. Đối với văn bản ở cấp Bộ, Bộ đang tập trung hoàn thiện hệ thống các Thông tư quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 và các Thông tư xây dựng định mức kinh tế - xã hội cho các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Bộ cũng đang tập trung hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ theo Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 2/6/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ; xúc tiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về danh sách các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; hoàn thiện 2 quy hoạch quốc gia thuộc trách nhiệm của Bộ là Quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học công nghệ công lập và Quy hoạch việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; tập trung triển khai dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu hạt nhân đặt tại Đồng Nai; thành lập các Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại 3 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng,…
Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tốt Nghị định Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phát triển ý tưởng các đề án: công nghiệp chip bán dẫn, công nghiệp hydrogen,…
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nêu một số khó khăn và đề xuất, kiến nghị liên quan đến phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo như khó khăn trong tiếp nhận thiết bị tài trợ phát triển mạng lưới quan trắc phóng xạ quốc gia; tạo động lực đưa tiêu chuẩn Việt Nam trở thành tiêu chuẩn quốc tế; triển khai Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia; có phương án thừa nhận lẫn nhau đối với các hệ thống quản lý chất lượng; vấn đề thương mại hóa kết quả nghiên cứu đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc đẩy nhanh quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực, trong đó có khoa học và công nghệ để kịp trình Chính phủ ngay trong quý IV/2023...
Đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan cùng dự buổi làm việc cũng trả lời một số câu hỏi phía Bộ Khoa học và Công nghệ nêu.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả, thành tựu đạt được của ngành Khoa học và Công nghệ thời gian qua. Bày tỏ đồng tình với những báo cáo, ý kiến về những nhiệm vụ của ngành cũng như đề xuất của đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam không phải là một quốc gia mạnh về khoa học và công nghệ. Các thành tựu đạt được chưa có dấu ấn rõ nét nhưng không thể phủ nhận, chỉ số xếp hạng về năng suất lao động của Việt Nam ở mức cao là nhờ có sự đóng góp của ngành Khoa học và Công nghệ.
Đề nghị một số nội dung chú trọng thực hiện trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, cần có chủ trương, chính sách cụ thể, cùng hệ thống pháp luật về lĩnh vực khoa học và công nghệ theo hướng có cơ chế đặc thù cho ngành Khoa học và Công nghệ và những người làm Khoa học và Công nghệ, có thể tham khảo cách làm từ quốc tế; nghiên cứu kỹ cơ chế đặc thù về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; cơ chế chính sách pháp lý phù hợp nhằm thương mại hóa khoa học công nghệ; chú trọng công tác quản lý về nhà nước về công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường…
“Bộ Khoa học và Công nghệ cần chủ động trong các nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, có phân cấp cho cơ sở các nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn và nguồn nhân lực; làm khoa học và công nghệ nhưng không máy móc, phải thực chất”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.