Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ ấn tượng với những kinh nghiệm, đóng góp của bà Rana Flowers và gửi lời cảm ơn tới UNICEF đã có nhiều hỗ trợ thiết thực cho trẻ em Việt Nam trong thời gian qua. Phó Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, ưu tiên cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước; đồng thời nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của gia đình, xã hội, nhà trường và các bộ, ngành trong việc chăm lo cho trẻ em.
Theo đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đang được bổ sung, hoàn thiện toàn diện về quan điểm, chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó đặc biệt quan tâm đến trẻ em và phụ nữ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Việt Nam có hàng loạt văn bản luật như: Luật Bảo vệ môi trường; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Giáo dục…, tạo điều kiện cho mọi người dân tiếp cận các chính sách an sinh-xã hội tốt hơn. Hiện Việt Nam có 3 chương trình mục tiêu quốc gia, với trọng tâm toàn diện là giáo dục, y tế, các vấn đề xã hội, chăm lo cho những đối tượng yếu thế, bao gồm trẻ em và phụ nữ.
Khẳng định Việt Nam đặc biệt quan tâm đầu tư cho công tác giáo dục trẻ em, Phó Thủ tướng cho biết, cùng với hệ thống giáo dục, các chính sách về kiên cố hóa và đầu tư cho trường học theo tiêu chuẩn được triển khai trên khắp cả nước, đặc biệt khu vực miền núi, khó khăn, nhằm mục tiêu cao nhất phổ cập giáo dục cho mọi người dân. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là bảo đảm các điều kiện thực hiện, tiêu chí đánh giá những tiến bộ đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ và đảm bảo quyền trẻ em như: Chế độ dinh dưỡng, tiêu chuẩn chiều cao, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh…, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi.
“UNICEF có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng bộ chỉ số đánh giá về trẻ em hài hòa với các chuẩn mực quốc tế”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Đề cập đến tình trạng thiếu cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất, nghệ thuật trong các trường học, nhất là ở những thành phố lớn, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang bổ sung chỉ tiêu về đất đai, nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh về “đức-trí-thể-mỹ”.
Về quản lý nguồn nước xuyên biên giới, Phó Thủ tướng cho rằng, trong tương lai, những xung đột liên quan đến nguồn nước xuyên biên giới sẽ ngày càng căng thẳng, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu… của người dân các nước, trong đó có việc thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến sự phát triển của trẻ em. Hiện nay, 60% tài nguyên nước mặt của Việt Nam đến từ nguồn nước xuyên biên giới, vì vậy, đây là vấn đề cấp bách cần giải quyết trên góc độ quốc tế cũng như giữa các địa phương.
“Quan trọng nhất là có nhận thức chung, đoàn kết, dựa trên quy định, luật pháp quốc tế, hợp tác liên chính phủ về quản lý các dòng sông xuyên biên giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh; đồng thời mong muốn UNICEF hỗ trợ Việt Nam sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước, thể hiện được tầm nhìn, cách thức quản lý nguồn nước xuyên biên giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các quốc gia, địa phương và người dân.
Cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, bà Rana Flowers nhấn mạnh 2 ưu tiên trong hoạt động của UNICEF tại Việt Nam, đó là bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực ở phụ nữ và trẻ em; vấn đề dinh dưỡng trẻ em. Đây là những vấn đề có liên kết mật thiết với nhau, được UNICEF đề cao trong công tác và hoạt động với các bộ, ngành Việt Nam. Việc tập trung đầu tư và phát triển dành cho trẻ là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế Việt Nam.
Đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu Việt Nam đạt được trong chăm sóc và bảo đảm các quyền của trẻ em, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam khẳng định tinh thần hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian tới. Đề xuất Việt Nam có cơ chế trao đổi, thảo luận thường xuyên về nguồn nước xuyên biên giới, bà Rana Flowers cho biết UNICEF hoạt động trên nhiều mảng, trong đó, tại Việt Nam có hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để khảo sát việc tiếp cận những chính sách chăm sóc xã hội cần thiết cho các gia đình, trẻ em ở khu vực khó khăn...