Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
|
Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Võ Văn Phuông, Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh và đại diện gia đình, thân nhân của các đồng chí nguyên lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, cựu phóng viên, biên tập viên của Báo Giải phóng...
Theo ông Hồng Thanh Quang, Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn kết: Đầu năm 1964, từ Hà Nội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định cử một đoàn cán bộ Báo Cứu Quốc vào miền Nam làm nòng cốt để thành lập Báo Giải Phóng - cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Các nhà báo Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí) và Thái Duy (Trần Đình Vân), phóng viên của Báo Cứu Quốc bằng đường bộ vượt Trường Sơn vào Nam.
Riêng Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc - nhà báo Kỳ Phương, được đưa nhanh vào chiến trường theo một tàu không số chở vũ khí vào Bến Tre. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trực tiếp chỉ đạo việc ra báo.
Cùng với lực lượng tại chỗ và cán bộ Báo Cứu Quốc, ngày 20/12/1964, Báo Giải Phóng với 4 trang khổ lớn in 2 màu đã xuất hiện trong vùng giải phóng miền Nam tại khu rừng Lò Gò - Xa Mát Tây Ninh và đưa vào nội đô, sang Phnom Penh (Campuchia) và ra miền Bắc.
Nhân dịp ra số đầu tiên, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ đã viết: "...làm sao khi đọc Báo Giải Phóng, nhân dân miền Nam sẽ được động viên tinh thần yêu nước, tin tưởng ở sức mạnh của cách mạng. Báo Giải Phóng sẽ vượt vĩ tuyến 17 ra với đồng bào miền Bắc, cổ vũ bà con ngoài đó đóng góp sức người, sức của vào cuộc chiến đấu trên nửa đất nước. Báo Giải Phóng cũng đến với bạn bè quốc tế, giúp họ hiểu rõ và hiểu đúng cuộc kháng chiến của chúng ta".
Theo ông Hồng Thanh Quang, tờ báo là nơi tập hợp những cây bút tên tuổi, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng, là tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, có những đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình gặp gỡ thân mật với cựu phóng viên báo Giải phóng. |
Sau khi đất nước thống nhất, đầu năm 1977, Báo Giải Phóng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Báo Cứu Quốc hợp thành với Báo Giải Phóng lấy tên là Báo Đại Đoàn Kết xuất bản số đầu tiên ngày 6/2/1977.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, ngay sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục và đồng chí Trần Bạch Đằng, phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục đã chỉ đạo thành lập cơ quan ngôn luận của Mặt trận, việc chuẩn bị đã được khẩn trương thực hiện và cách đây 53 năm, tại căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vùng Đông Bắc Tây Ninh, Báo Giải Phóng đã ra đời.
Từ đó đến tháng 4/1975, với người Tổng biên tập tiếp theo là nhà báo Thép Mới và cuối cùng là nhà báo Nguyễn Văn Khuynh, cùng hơn 250 cán bộ, nhân viên, công nhân nhà in, Báo Giải Phóng đã xuất bản 375 số, với nhiều bài viết phát trên đài phát thanh giải phóng.
Nối tiếp truyền thống Báo Cứu Quốc và báo chí cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Báo Giải Phóng là một kỳ tích của báo chí cách mạng thời chống Mỹ.
Vượt qua đói rét, bệnh tật trong rừng sâu, nước độc, vượt lên bom đạn, chất độc hóa học và những trận càn ác liệt, cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Giải Phóng không những giữ vững được tiếng nói của cách mạng trên trang giấy và làn sóng điện, mà còn tham gia chiến đấu đánh địch tại chiến khu trong trận càn Junction City năm 1967 (hay còn gọi là trận càn Giân-xơn Xi-ty) và tại lòng địch năm 1968.
Một số đồng chí đã hy sinh trên các chiến trường khi đi thực tế, viết bài, trong chiến đấu chống càn. Một số bị địch bắt, cầm tù, tra tấn. Hòa bình lập lại, những người còn sống lại tiếp tục vượt qua khó khăn, tham gia xây dựng, tái thiết đất nước ở nhiều cương vị khác nhau, giữ vững truyền thống của Báo Giải Phóng cho đến ngày nay.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, lễ đặt bia kỷ niệm là tấm lòng tri ân của tất cả chúng ta đối với những đồng chí, đồng đội trong đó có những người không còn nữa; đồng thời chúc cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên tập viên Báo Giải Phóng trước đây và Báo Đại Đoàn Kết ngày nay luôn giữ ngọn lửa truyền thống của Báo Giải Phóng, cùng chung tay xây dựng đất nước.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã tặng 100 triệu đồng để mua xe đạp và trao học bổng cho 50 học sinh nghèo, hiếu học huyện Tân Biên; tặng 50 triệu đồng cho quỹ khuyến học huyện Tân Biên. Phó Thủ Tướng Trương Hòa Bình và đồng chí Nguyễn Văn Nên tặng 100 triệu đồng (mỗi đồng chí tặng 50 triệu đồng) cho Ban liên lạc Báo Giải Phóng.