Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời chất vấn

Chiều 14/6, sau khi 3 Bộ trưởng trực tiếp trả lời và 7 thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia giải trình thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội xung quanh công tác quản lý, điều hành của Chính phủ về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn giao thông và phòng chống tội phạm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN


Đẩy mạnh tái cơ cấu; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Giải trình thêm với Quốc hội, cập nhật tình hình kinh tế - xã hội của đất nước 5 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 5 giảm 0,06%; 5 tháng tăng 2,35%, là mức thấp nhất trong 4 năm qua. An sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Cho rằng tình hình kinh tế - xã hội của đất nước còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Phó Thủ tướng cũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013. Theo đó, từ nay đến cuối năm, Chính phủ kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; theo dõi sát diễn biến tình hình để điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách, nhất là về tài khóa - tiền tệ, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 mà Quốc hội đã đề ra.

Là người đầu tiên chất vấn trong buổi làm việc chiều nay, tán thành với những giải pháp của Chính phủ, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết những chủ trương, giải pháp của Chính phủ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhằm đạt và vượt các chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra; đồng thời đảm bảo thực hiện tốt an sinh xã hội.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, đất nước ta mới thoát khỏi tình trạng nước nghèo, bình quân GDP đầu người còn thấp. Trong khi đó, nền kinh tế trong nước đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới nên trong bối cảnh kinh tế thế giới phát triển khó lường, chưa ổn định, kinh tế trong nước cũng chịu tác động mạnh. Tán thành với nguyện vọng của các đại biểu Quốc hội và cử tri về việc đẩy mạnh hơn nữa tốc độ phát triển kinh tế, song Phó Thủ tướng cũng khẳng định, đất nước ta từng qua thời gian lạm phát kéo dài, trước tình hình này, nên đặt vấn đề phát triển bền vững là quan trọng để tránh tái lạm phát cao trở lại; thực hiện chủ trương nhất quán mà Quốc hội đã nêu ra từ đầu năm 2013: Tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững chủ quyền Tổ quốc.

Về những giải pháp từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp kinh tế - xã hội năm 2013; thực hiện nghiêm, đầy đủ các Nghị quyết của Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; đẩy nhanh giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Chính phủ sẽ phát hành thêm trái phiếu để đảm bảo vốn cho một số công trình, quốc lộ trọng điểm; đồng thời áp dụng thêm một số biện pháp bổ trợ khác như: Giảm thuế doanh nghiệp; thúc đẩy xuất khẩu; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích đầu tư FDI…

Song song với đó, Chính phủ cũng tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp về tiền tệ như: Tích cực giải ngân 30 nghìn tỷ hỗ trợ thị trường bất động sản; tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu nợ; xây dựng chương trình trung hạn đến năm 2015 để khôi phục nền kinh tế; quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2013 mà Quốc hội đã đề ra. Chính phủ quán triệt nguyên tắc “không để dân đói”; tiếp tục chỉ đạo giảm nghèo bền vững, tăng cường phúc lợi xã hội, hỗ trợ người nông dân, các gia đình chính sách…
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về những giải pháp đột phá, đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc nền kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác tái cấu trúc nền kinh tế đụng chạm đến nhiều cấp, ngành và liên quan đến việc sửa đổi từ thể chế, cơ chế. Những tác động từ thị trường tài chính thế giới, khu vực; năng lực cán bộ và công tác chỉ đạo điều hành chưa đáp ứng được yêu cầu cũng làm chậm tiến độ tái cấu trúc.

Khắc phục tình trạng này, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ chủ trương quản lý chặt, nâng cao hiệu quả đầu tư công; tiếp tục hoàn chỉnh thể chế; đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty đi đôi với tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường các hoạt động giám sát, thanh tra. Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt hơn công tác này.

Tái cơ cấu Vinashin đem lại diện mạo mới cho ngành công nghiệp đóng tàu của đất nước


Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) về tiến trình tái cơ cấu hai tập đoàn kinh tế Vinashin và Vinalines, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những sai phạm tại hai tập đoàn này đã được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhờ tái cơ cấu, Vinashin hiện nay ổn định hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý tốt hơn. Phó Thủ tướng cho biết trong 3 năm qua, Vinashin đã đóng bàn giao 170 tàu, trong đó xuất khẩu 66 tàu lớn với trị giá 1.215 triệu đô la Mỹ.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan, giảm nợ, giãn nợ cho Vinashin. Kết quả tái cơ cấu nợ là tiền đề quan trọng tái cơ cấu Vinashin. Phó Thủ tướng nhận định, trong điều kiện chủ quan, khách quan như hiện nay, Vinashin phải được tiếp tục tái cơ cấu theo hướng cơ bản, toàn diện, vừa tái cơ cấu kết hợp với các biện pháp giải thể, phá sản; phấn đấu sau tái cơ cấu, Vinashin sẽ có một diện mạo mới, sở hữu thị trường cạnh tranh lành mạnh, đội ngũ công nhân lành nghề… để tận dụng tốt thế mạnh về biển của đất nước.

Liên quan câu hỏi tại sao khi hoạt động không hiệu quả, không tổ chức cho phá sản doanh nghiệp này mà tái cơ cấu lại, Phó Thủ tướng chỉ rõ, Vinashin là tập đoàn 100% vốn nhà nước, nếu phá sản, Nhà nước sẽ phải trả nợ thay; thêm vào đó là những tác động xã hội rất lớn do hàng trăm ngàn người lao động mất việc làm… Ngược lại, nếu tái cơ cấu, sẽ chấn chỉnh, hoàn thiện ngành đóng tàu của đất nước.

Thông tin với Quốc hội về việc Vinalines cũng đang tái cơ cấu rất mạnh mẽ, Phó Thủ tướng cho biết, năm 2012 doanh thu của doanh nghiệp này đạt 2.120 tỷ đồng. Trong năm 2013, đơn vị này đã tiến hành thoái vốn đầu tư tại 16 doanh nghiệp; hoàn thành cổ phần hóa 4 danh nghiệp trực thuộc. Vinalines cũng đã bán được một số tàu cũ, bố trí lại nhân sự, trình Chính phủ ban hành Điều lệ hoạt động, quy chế hoạt động doanh nghiệp mới. Tuy còn khó khăn, nhưng với cố gắng, quyết tâm cao, , Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ quyết tâm chỉ đạo tái cơ cấu thành công tập đoàn này.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính

Chất vấn trách nhiệm trong lĩnh vực nội chính, đại biểu Lê Như Tiến thẳng thắn đề nghị Phó Thủ tướng cho biết, trách nhiệm cá nhân từ khi nhận trọng trách này. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng được Chính phủ chỉ đạo đồng bộ, đặc biệt là tập trung xây dựng thể chế với việc ban hành nhiều văn bản pháp luật; đồng thời đẩy mạnh hoạt động thanh tra kiểm tra, điều tra, phát hiện các hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng và tinh vi. Nguyên nhân của tình trạng này, theo Phó Thủ tướng, là các yếu tố như: Công tác tuyên truyền chưa tốt; thể chế còn nhiều sơ hở; việc tự phát hiện biểu hiện tham nhũng còn hạn chế; một số lĩnh vực phức tạp chưa được ngăn chặn triệt để…


Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng khẳng định, Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn luật này; thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền ở mọi cấp, ngành; thu hồi triệt để tài sản tham nhũng; tiếp tục nâng cao chất lượng cơ quan tư pháp phòng chống tham nhũng….

Chia sẻ với những băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) về việc tồn tại một bộ phận không nhỏ công chức “vô cảm”, thiếu trách nhiệm đối với nhân dân, Phó Thủ tướng thừa nhận, vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, khuyết điểm trong công tác cải cách hành chính.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai nghiêm Luật công chức, viên chức tại tất cả các ngành, cơ quan; hạn chế và xử lý nghiêm tình trạng công chức thiếu trách nhiệm; đồng thời quyết liệt triển khai Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011- 2020.

Ngoài ra, thực thi đổi mới công tác đánh giá cán bộ công chức, viên chức; xác định trách nhiệm người đứng đầu; trách nhiệm bồi thường của công chức, viên chức khi để xảy ra thiệt hại cho Nhà nước và công dân. “Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phải quan tâm đặc biệt xử lý cán bộ nhũng nhiễu tiêu cực, gây phiền hà cho nhân dân; lấy tiêu chí hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá công chức", Phó Thủ tướng nói.

Chính phủ thường xuyên theo dõi, đánh giá hiệu quả dự án bô xít Tây nguyên


Tại buổi chất vấn chiều nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tham gia trả lời thêm câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) liên quan đến hiệu quả của hai dự án khai thác alumin trên địa bàn Tây Nguyên do Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư.

Chia sẻ với băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về việc cách tính toán và tình hình sụt giảm nhu cầu tiêu thụ alumin trên thị trường thế giới có thực sự đem lại hiệu quả cho dự án này hay không, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, trong quá trình đầu tư hai dự án này, chủ đầu tư phải thường xuyên xem xét, đánh giá thị trường và các yếu tố tác động khác để xác định hiệu quả dự án. Trường hợp phát hiện những dấu hiệu không có hiệu quả thì phải dừng dự án để xử lý, thậm chí phải ngừng dự án để ngăn ngừa thiệt hại. Trong quá trình này, có sự tham gia chặt chẽ của Bộ Công Thương và các ngành liên quan.

Phó Thủ tướng cũng cung cấp thêm thông tin, do khủng hoảng kinh tế thế giới, dẫn đến nhu cầu nhôm, alumin thế giới giảm, kéo theo giá giảm. Những vấn đề này cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của dự án. Tuy nhiên, theo dự báo ở trường hợp giá thấp nhất của alumin trong vòng đời 30 năm của dự án thì vẫn đảm bảo dự án Tân Rai có hiệu quả và chỉ kéo dài thời gian thu hồi vốn.

Liên quan đến phương án vận tải đường bộ của dự án, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Chính phủ đã giao các địa phương phối hợp với các ngành chức năng lập phương án đầu tư. Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và chủ đầu tư theo dõi, đánh giá thường xuyên về dự án, đảm bảo thi công tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo chất lượng, thị trường và hiệu quả của dự án.


Quang Vũ - Khiếu Thị Tư
Xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh
Xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về giải pháp nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực của Viện Kiểm sát; công tác cải cách tư pháp; tình trạng chậm xử lý các bản án tử đã tuyên; án treo kinh tế và tham nhũng còn cao...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN