Đông đảo tăng ni, phật tử, khách thập phương ở trong và ngoài nước đã về dự lễ Khai hội Chùa Bái Đính tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) ngày 5/2 (mùng 6 Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014).Khu du lịch Tràng An - Bái Đính, điểm du lịch thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN |
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh đã đánh trống, khua chiêng chính thức khai hội; đồng thời cùng với nhân dân và du khách dâng hương, tham gia nghi lễ thả chim phóng sinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chùa Bái Đính có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi, đã từng là nơi Đinh Tiên Hoàng đế lập đàn tế trời cầu cho mưa thuận, gió hòa. Nơi đây cũng đã được vua Quang Trung chọn để thực hiện nghi lễ tế cờ, động viên quân sỹ trước khi tiến ra Thăng Long đại phá quân Thanh xâm lược.
Ngay trong ngày Khai hội đã có hàng vạn du khách thập phương về dâng hương, chiêm bái cảnh quan ngôi chùa lớn nhất khu vực Đông Nam Á, hiện đang lưu giữ nhiều kỷ lục Việt Nam, như chuông đồng lớn nhất nặng 30 tấn; pho tượng Phật Thích ca Mâu ni bằng đồng nặng 150 tấn; bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất, mỗi pho nặng 50 tấn; có hành lang La Hán dài nhất với 500 vị...
Hòa trong dòng người về dâng hương, lễ Phật, chị Nguyễn Phương Nhung, du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ: Đây là lần thứ 2 chị cùng gia đình đến Bái Đính cầu mong cho người thân, bạn bè sức khỏe, gặp nhiều may mắn. Chị Nhung thực sự ấn tượng bởi kiến trúc độc đáo của ngôi chùa và vui mừng vì các dịch vụ ở đây đã được sắp xếp lại, không còn cảnh nhốn nháo gây phiền hà cho du khách như trước.
Lễ hội Chùa Bái Đính sẽ diễn ra đến hết mùa Xuân. Để tránh xảy ra tình trạng lộn xộn tại khu vực chùa, tỉnh Ninh Bình đã tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp chèo kéo khách mua hàng, chụp ảnh, trông giữ xe trái phép, đồng thời điều tiết giao thông nên đã không để xảy ra ùn tắc tại các nút giao thông dẫn vào chùa.
Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã bố trí trên 200 chiếc xe điện phục vụ việc đưa, đón khách đến các điểm tham quan, lắp đặt các bảng thông báo nội quy của khu du lịch, giá cả từng loại dịch vụ tại các khu vực đông người qua lại để thuận lợi cho khách tham quan và nhân dân đến lễ Phật, du Xuân.
* Lễ hội Cổ Loa tri ân công đức vua An Dương VươngSáng 5/2, lễ hội Cổ Loa kỷ niệm ngày vua An Dương tức vị lên ngôi Hoàng đế đã tưng bừng diễn ra tại Khu di tích đền Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) nhằm tri ân công đức vua An Dương Vương trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Lễ hội có sự tham gia của các ban, ngành huyện Đông Anh, nhân dân Bát xã Cổ Loa, các vùng lân cận và đại diện chính quyền, các đoàn thể xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nơi đức vua An Dương Vương tạ thế.
Đúng 7h30, các đoàn rước kiệu gồm: Đoàn anh Cả Quậy, đoàn Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sáp, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Kưu rước từ sân Rồng Hạ qua sân Rồng Trung, lên sân Rồng Thượng để vào lễ đức vua theo nghi thức truyền thống được gìn giữ qua hơn 2000 năm nay. Trong đó đoàn anh Cả Quậy thực hiện nghi lễ đầu tiên.
Lễ hội mùng 6 tháng Giêng của nhân dân Bát xã Loa Thành là nét đẹp văn hóa truyền thống, biểu hiện tính giáo dục cao về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, về truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Lễ hội cũng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng con người đến với chân – thiện – mỹ.
Bà Nguyễn Thị Phúc, một người con của xã Cổ Loa, hiện trú tại số 61 Thảo Điền, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi sinh ra tại xã Cổ Loa, mặc dù đã xa mảnh đất này 30 năm nhưng mỗi dịp tổ chức lễ hội, tôi thường hay sắp xếp thời gian để về quê dự lễ, thắp hương tưởng nhớ nguồn cội, tổ tông của mình. Đây là lễ hội truyền thống của quê hương, là niềm tự hào của người dân xã Cổ Loa và huyện Đông Anh, do vậy chúng ta càng phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn”.
Theo đánh giá của nhiều người tham gia lễ hội: Lễ hội Cổ Loa năm nay được tổ chức theo nghi thức giàu tính truyền thống, công tác tổ chức lễ hội tốt hơn. Ông Nguyễn Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa, Trưởng ban tổ chức Lễ hội cho biết: “Năm nay, xã Cổ Loa xây dựng các phương án tổ chức, quản lý như giữ gìn an ninh trật tự, phân luồng giao thông, sắp xếp hàng quán… để lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm, nhân dân và khách thập phương trẩy hội vui vẻ, phấn khởi”.
Phần hội được tổ chức sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, thể dục thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia. Lễ hội diễn ra đến hết ngày Rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch).
Vũ Văn Đạt - Đinh Thị Thuận