Tham dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, lãnh đạo Học viện và nhiều cựu sinh viên qua các thời kỳ.
Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện cho biết, 55 năm xây dựng và phát triển, với những tên gọi khác nhau, Học viện đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán của đất nước. Với việc thường xuyên đổi mới nội dung chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy, cách thức tổ chức quản lý, quy mô đào tạo được nâng lên, chất lượng đào tạo luôn được đảm bảo và ngày một hoàn thiện.
Số sinh viên và học viên của học viện tốt nghiệp ra trường luôn được nhà tuyển dụng đón nhận và đánh giá cao. Theo khảo sát việc làm sinh viên sau tốt nghiệp năm 2017, tỷ lệ sinh viên Học viện có việc làm sau tốt nghiệp một năm là 97,72%, đứng đầu trong top 5 trường hàng đầu ở Việt Nam, với mức thu nhập từ 9-12 triệu đồng/tháng. Rất nhiều người trong số đó đã trưởng thành, hiện giữ những cương vị và trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước. Học viện luôn phấn đấu vì mục tiêu là địa chỉ tin cậy “thu hút nhân tài, bồi dưỡng nhân tâm, hoàn thiện nhân cách, phát triển nhân lực”.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Học viện Tài chính là địa chỉ đào tạo có thương hiệu, là niềm tự hào của các thế hệ sinh viên, học viên. Việc đào tạo theo hướng đa ngành của Học viện là đúng đắn. Hai ngành đào tạo của Học viện đã trở thành thương hiệu là ngành tài chính và kế toán. Trong ngành tài chính, Học viện cần đi sâu vào lĩnh vực tài chính công, tài chính doanh nghiệp, thị trường tài chính gồm ngân hàng, bảo hiểm, kế toán. Bên cạnh đào tạo chuyên ngành, Học viên cần đào tạo chuyên sâu những lĩnh vực như: kế toán công nghiệp, nông nghiệp, chú trọng đến các môn học khác như ngoại ngữ, tin học.
Là cựu sinh viên, nguyên giáo viên và lãnh đạo Học viện, 27 năm gắn bó với nhà trường, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu nhấn mạnh, Học viện cần xác định được sứ mệnh, tầm nhìn, vị trí của mình trong hệ thống giáo dục đại học cũng như trong ngành tài chính, kế toán; định vị cho được Học viện đang ở đâu để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. Trường nên đặt hàng với các giảng viên đã kinh qua vị trí trọng yếu và các thế hệ giảng viên để có nghiên cứu, rà soát về định hướng phát triển, đánh giá sâu về mức độ thành công sau 55 năm, thành công trong lĩnh vực nào, thế mạnh là gì, điều gì làm nên sự khác biệt của trường...
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận việc đào tạo kiến thức cơ bản, nền tảng của Học viện là rất tốt, nhất là một số ngành tài chính công, kế toán, thuế. Từ đó, đa số sinh viên ra trường làm việc có tư duy chặt chẽ, có thể hoạt động ở mọi ngành, mọi lĩnh vực, địa bàn. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra điểm yếu trong công tác đào tạo là còn chú trọng vào đào tạo căn bản dẫn đến hạn chế sự sáng tạo. Trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo hiện nay, cần phải năng động, đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh đó, khả năng hội nhập quốc tế của Học viện còn thiếu sự gắn kết thực tiễn với loại ngành đào tạo, thực tiễn với lý luận.
Phó Thủ tướng đưa ra 5 giải pháp, trong đó nhấn mạnh Học viện cần xem lại tầm nhìn, phương pháp giảng dạy, đào tạo, đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo chuẩn đầu ra, phát huy cao nhất tính chủ động, sáng tạo của người học, đảm bảo chất lượng thực chất, đáp ứng nhu cầu xã hội, yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Học viện cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có tâm và có tầm, thu hút được nguồn cán bộ trẻ có năng lực, chủ động thu hút giảng viên, báo cáo viên xuất sắc; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, khắc phục những bất lợi về vị trí địa lý.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, quốc gia đang thành lập mạng lưới sáng kiến Việt Nam, muốn đẩy mạnh đổi mới sáng tạo nghiên cứu thì cần có mạng lưới sáng kiến tài chính. Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị sau dịp kỷ niệm 55 năm thành lập, Ban Giám đốc Học viện nghiên cứu thành lập mạng lưới sáng kiến tài chính, trong đó có trung tâm nghiên cứu chính sách với nhóm chủ chốt làm công tác nghiên cứu để có tiếng nói trong hoạch định chính sách...