Tham gia đoàn khảo sát có đại diện lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Buổi làm việc còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, dự án tuyến đường Trường Sơn Đông được thực hiện trên cơ sở triển khai Nghị quyết 39 ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư tại Thông báo số 31 ngày 25/2/2005, trong đó đã xác định dự án có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược phòng thủ quốc gia, củng cố an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc nhằm hiện thực hóa mong ước ngàn đời của đồng bào các dân tộc thuộc vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa khó khăn 7 tỉnh mà tuyến đường đi qua.
Qua 17 năm thi công, dự án được cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân đặc biệt quan tâm, đồng tình ủng hộ. Dự án đã được phê duyệt tại Quyết định 131 của Bộ Quốc phòng ngày 23/1/2006 và đã qua 2 lần điều chỉnh phê duyệt Quyết định đầu tư vào năm 2011 và 2020.
Quá trình triển khai xây dựng dự án gặp nhiều khó khăn, như việc thiếu vốn, điều kiện thi công trong mùa mưa rất khó khăn, do những thay đổi các quy định pháp luật. Đến nay phần lớn khối lượng dự án đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng (khoảng 516,8km, chiếm 84,85% chiều dài). Nhiều đoàn khảo sát đều đánh giá, dự án phát huy tốt giá trị, có hiệu quả trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kết hợp với bảo đảm quốc phòng-an ninh trên các địa bàn các tỉnh mà dự án đi qua. Nhưng, khó khăn vướng mắc về chậm thi công tuyến, điểm nghẽn tại 1 số địa bàn đã làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án, ý nghĩa chính trị của tuyến đường Trường Sơn Đông.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án đường Trường Sơn Đông đi qua địa bàn 2 huyện Lạc Dương và Đam Rông có chiều dài khoảng 52km. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối Lâm Đồng với 3 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và 3 tỉnh miền Trung là Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Với điểm kết thúc của dự án tại Km167+160 được nối liền với tuyến đường tỉnh ĐT.722 để kết nối với trung tâm thành phố Đà Lạt, trung tâm huyện Lạc Dương sẽ góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương và hiệu quả đầu tư của dự án. Đồng thời, tuyến đường ĐT.722 đoạn nối từ đường Trường Sơn Đông đến xã Đạ Long, huyện Đam Rông dài 18,9km đang triển khai đầu tư khi hoàn thành sẽ phát huy hiệu quả đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của địa phương, các bộ, ngành và Bộ Quốc phòng; cho rằng, qua buổi làm việc cho thấy nhiều bài học kinh nghiệm trong triển khai các dự án giao thông để tạo ra sự phát triển cho đất nước trong thời gian tới. Chia sẻ khó khăn, ghi nhận những kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng, Trưởng đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tỉnh tiếp thu các ý kiến; bổ sung một số nội dung, quan điểm và giải pháp, kiến nghị, đề xuất cụ thể với Đoàn công tác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với các Ủy ban, bộ, ngành, địa phương liên quan chuẩn bị hoàn thiện báo cáo để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án tuyến đường đặc biệt quan trọng này.