Đồng chí Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN |
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đã báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách địa phương đạt kết quả khá. Đặc biệt, tỉnh Thái Bình tiếp tục là địa phương dẫn đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới; an sinh xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững. Đoàn công tác thống nhất với định hướng phát triển và ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Thái Bình cần tiếp tục tận dụng lợi thế, thế mạnh địa phương gắn liền với xu thế phát triển hiện nay, đó là cuộc cách mạng 4.0, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng trong nông nghiệp. Tỉnh cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, đi kèm với bảo vệ môi trường, giữ vững ổn định xã hội. Với lợi thế về nông nghiệp, Thái Bình cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao và hướng đến thị trường xuất khẩu. Tỉnh cần phát triển công nghiệp dựa trên thế mạnh hiện có như công nghiệp chế biến nông sản, dệt may, công nghiệp khí; đồng thời phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy công nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao định hướng phát triển kinh tế tiến ra phía biển của tỉnh Thái Bình. Thời gian tới, tỉnh nên chú trọng thực hiện liên kết vùng, mở rộng tìm kiếm thị trường, tạo sức bật cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh cần phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh Thái Bình tiếp tục kiên trì trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Đoàn công tác thăm Nhà máy chế biến hạt giống thuộc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN |
Sáu tháng đầu năm 2017, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Thái Bình tăng 8,57%; tổng giá trị sản xuất tăng 9,45%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2016. Tổng thu ngân sách địa phương 7 tháng đầu năm 2017 đạt 92% dự toán. Theo kế hoạch năm 2017, tỉnh Thái Bình sẽ có 21/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó GRDP tăng trưởng 11%, tổng giá trị sản xuất tăng 13,4% so với năm 2016, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội đạt gần 46.000 tỷ đồng, tăng 8,5%. Chỉ tiêu thu ngân sách nội địa khoảng 6.057 tỷ đồng, dự kiến khó đạt kế hoạch.
Về nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, theo kế hoạch, tỉnh Thái Bình được phân bổ trên 4.851 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương dự kiến trên 5.009 tỷ đồng. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có thông báo kế hoạch vốn trung hạn ngân sách Trung ương cho tỉnh Thái Bình là 2.495 tỷ đồng và kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ là 768,6 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương đã phân bổ đến nay đạt trên 2.941 tỷ đồng.
Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Bình đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2016 tại tỉnh đạt trên 14.468 tỷ đồng. Đến nay, Thái Bình có 1/7 huyện và 186/263 xã (đạt 70,7%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 17,57 tiêu chí/xã, tăng trên 11 tiêu chí/xã so với năm 2010. Đến hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều trên địa bàn tỉnh Thái Bình là 4,61%, dự kiến đến hết năm 2017 giảm còn khoảng 4%.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác của Quốc hội đã đến thăm Công ty Cổ phần sản xuất hàng thể thao Maxport chi nhánh Thái Bình, thăm Nhà máy Chế biến hạt giống và huyện Hưng Hà – huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thái Bình.