Tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gửi tới đội ngũ lãnh đạo, nhân viên bệnh viện tình cảm sâu sắc tri ân và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Phó Chủ tịch nước đánh giá cao những kết quả đạt được trong gần 60 năm xây dựng và phát triển của bệnh viện.
Đặc biệt trong hơn 2 năm qua, trước thử thách cam go của đại dịch COVID-19, Bệnh viện đa khoa Đức Giang là 1 trong 5 bệnh viện hàng đầu của thành phố Hà Nội đảm nhiệm điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện đã áp dụng thành tựu y học, sử dụng trang thiết bị y tế tiên tiến, quy trình hóa công tác khám, điều trị COVID-19 theo hướng hiện đại, quy củ, nền nếp cùng với sự tận tâm, tận lực của đội ngũ thầy thuốc để cứu chữa cho người bệnh.
Theo báo cáo, là bệnh viện tuyến đầu trong điều trị COVID-19 của Hà Nội, là nơi thu dung điều trị các bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch, bệnh nhân sản khoa, trẻ nhỏ, người nước ngoài mắc COVID-19, từ đầu đại dịch COVID-19 đến nay, Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhân mắc COVID-19, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới điều trị, giải tỏa áp lực cho các Trung tâm y tế, Trạm y tế tại Thủ đô. Để đạt được kết quả đó có sự sinh thầm lặng của lãnh đạo, y, bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý của bệnh viện đang ngày đêm quên mình cứu chữa cho bệnh nhân nặng, nguy kịch do nhiễm SARS-CoV-2.
Nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất của hệ thống chính trị, nhất là của ngành y tế, Phó Chủ tịch nước mong rằng với những kinh nghiệm đúc kết được, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cần tiếp tục nghiên cứu, đúc kết quy trình hóa phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 để có phương pháp điều trị khoa học, hiệu quả hơn, giảm bớt công sức, tiền của đội ngũ y, bác sỹ và nhân dân.
Ngoài ra, Bệnh viện cần nghiên cứu thêm di chứng mà bệnh COVID-19 gây ra cho người bệnh để có phương pháp điều trị hậu COVID-19; có cẩm nang hướng dẫn điều trị COVID-19 tại nhà cho bệnh nhân để giảm bớt di chứng sau COVID-19 cũng như tránh ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất của người bệnh.
Phó Chủ tịch nước mong rằng, Bệnh viện đa khoa Đức Giang tiếp tục đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đủ đức, đủ tài, “vừa hồng, vừa chuyên” có thể tiếp cận thành tựu y học của thế giới, sử dụng được những máy móc, công nghệ hiện đại nhất, đồng thời quan tâm nâng cao y đức, văn hóa ứng xử tiến tới văn minh, nhân ái giữa thầy thuốc với bệnh nhân và giữa thầy thuốc với nhau.
Phó Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý của các bệnh viện, trong đó có Bệnh viện đa khoa Đức Giang để nâng công tác quản trị bệnh viện lên giai đoạn mới hiện đại, minh bạch và quy trinh hóa để giảm thiểu rủi ro về chuyên môn.
Thăm và chúc mừng các bộ nhân viên Trạm Y tế phường Bồ Đề (quận Long Biên), Phó Chủ tịch nước ghi nhận những cố gắng của hệ thống chính trị phường Bồ Đề, trong đó có Trạm Y tế đã vào cuộc quán xuyến công tác phòng, chống dịch, đi từng ngõ, gõ từng nhà, tư vấn từng người dân, điểu trị tại nhà cho gần 4.000 F0, quản lý hơn 4.000 F1.
Địa phương đã quán triệt, triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 nghiêm túc, cách thức linh hoạt, huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị cùng vào cuộc chống dịch. Phó Chủ tịch nước đề nghị địa phương tiếp tục phát huy kết quả đạt được, huy động các lực lượng và có phương khoa học, hiệu quả hơn hướng dẫn F0 điều trị tại nhà, đưa ra cẩm nang hướng dẫn để người dân hiểu đúng về cách ly, điều trị. Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội qua dịch bệnh này là dịp nhìn lại hệ thống y tế để có chiến lược củng cố nâng cấp hệ thống y tế từ cấp tỉnh đến cơ sở đủ sức để thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.
Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, tuyến y tế cơ sở là lực lượng khó khăn, vất vả nhất trong phòng, chống dịch COVID-19, là lực lượng đầu tiên tiếp cận với người bệnh, quản lý phần lớn số bệnh nhân (điều trị tại nhà), phát hiện sớm bệnh nhân nặng để chuyển đến bệnh viện.
Đây là lực lượng ngày đêm tiếp xúc với người dân, cung cấp dịch vụ y tế cho người dân từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Qua các đợt dịch, thành phố Hà Nội đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc cùng với y tế cơ sở để phòng, chống dịch. Sở Y tế cũng đã có báo cáo với thành phố kiến nghị của các Trạm y tế để các Trạm Y tế có điều kiện chăm sóc sức khỏe người dân và ứng phó với dịch bệnh.
Đến thăm gia đình ông Bùi Văn Quyên, Chủ tịch Hội Nông dân, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Phó Chủ tịch nước ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của lãnh đạo địa phương và gia đình trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; khẳng định những nỗ lực đó rất quan trọng trong giai đoạn khó khăn, không chỉ trợ giúp cho ngành Y tế mà việc phát huy vai trò gương mẫu của người cán bộ, đảng viên đã giúp người dân đồng lòng, chung sức noi gương để thực hiện nhiệm vụ chống dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Phó Chủ tịch nước mong địa phương sẽ phát huy vai trò của y tế cơ sở, tổ COVID cộng đồng… giúp người dân điều trị tại nhà hiệu quả, hạn chế tối đa phải chuyển lên tuyến trên vừa giảm tải cho các bệnh viện vừa đỡ tốn kém chi phí cho người dân.
* Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18 giờ ngày 25/2 đến 18 giờ ngày 26/2, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 10.783 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.709 ca cộng đồng và 7.074 ca đã cách ly. Các F0 phân bố tại 537 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Ngày 26/2, UBND thành phố Hà Nội có thông báo đánh giá cấp độ trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội cập nhật 9 giờ ngày 25/2/2022.
Theo đó, ở quy mô xã, phường, thị trấn, Hà Nội có 283 địa phương cấp độ 1 (vùng xanh); 222 địa phương cấp độ 2 (vùng vàng); 74 địa phương cấp độ dịch 3 (vùng cam).
Như vậy, so với thông báo phát đi vào ngày 19/2, thành phố Hà Nội tăng nóng số xã, phường, thị trấn “vùng vàng”, từ 48 lên 222; trước đó không có địa phương “vùng cam”.