Ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ làm công tác dân số, luôn tâm huyết, trách nhiệm, năng động, chủ động, Phó Chủ tịch nước khẳng định đóng góp của ngành Y nói chung, ngành Dân số nói riêng là rất lớn. Nhờ những đóng góp của công tác dân số với những con số “biết nói” đã tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội, công cuộc xóa đói giảm nghèo của nước ta, góp phần cải thiện thu nhập của người dân, đưa Việt Nam ra khỏi nước nghèo nàn, lạc hậu, trở thành nước có thu nhập trung bình.
Cho rằng quy mô dân số chưa ổn định, chất lượng dân số còn nhiều vấn đề phải quan tâm, tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi, tật bệnh, mất cân bằng giới tính khi sinh khá cao, Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tiếp tục giữ vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, dân số - phát triển, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số. Phó Chủ tịch nước lưu ý toàn ngành chú trọng đến công tác tầm soát trước sinh để phát hiện các biểu hiện bất thường, điều trị can thiệp sớm, duy trì và đảm bảo cân bằng mức sinh thay thế, nhằm nâng cao chất lượng dân số.
Trước hiện tượng nhức nhối hiện nay tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, việc kiểm soát sinh ngoài ý muốn khá cao, Phó Chủ tịch nước nhắc nhở ngành Dân số và các cán bộ, cộng tác viên dân số cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản ở khu vực này. Bên cạnh đội ngũ cán bộ dân số chuyên trách, Phó Chủ tịch nước cho rằng cần tiếp tục duy trì xã hội hóa, vận động người dân làm cộng tác viên để đưa công tác dân số phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, 55 năm qua, hệ thống làm công tác dân số gia đình trải qua nhiều giai đoạn thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” của các cán bộ, cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình, công tác dân số đã đạt được nhiều thành công. Tỷ lệ tăng dân số hàng năm giảm xuống, chỉ còn 1%/năm. Mức sinh thay thế được duy trì ổn định từ năm 2006 đến nay, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 – 49 có 2,09 con.
Nhờ những thành công trong việc giảm mức sinh, tỷ lệ tăng dân số hàng năm giảm xuống, số người gia tăng hàng năm cũng giảm, quy mô dân số nước ta hiện nay khoảng 93 triệu người, dự kiến đạt 100 triệu người vào năm 2026. Nếu không có sự thành công của chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, quy mô dân số 100 triệu người rất có thể đã xảy ra trước năm 2010. Tuổi thọ bình quân của người dân tiếp tục tăng, đạt 73,3 tuổi vào năm 2015. Các chỉ số tử vong bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi, nguy cơ bệnh tật, tử vong do quá trình thai sản… giảm rõ rệt, đạt Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.