Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, cũng phát sinh nhiều vấn đề khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri. Hàng năm, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đều có giám sát qua báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Ban Dân nguyện đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công giúp tổ chức các hoạt động giám sát về lĩnh vực này. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm tổ chức thực hiện kiến nghị các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với các bộ, ngành và địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, gần đây Quốc hội đã đổi mới, yêu cầu Ban Dân nguyện giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo hàng tháng về tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Trong tháng 9 này, Ban Dân nguyện phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ để chuẩn bị báo cáo nội dung này. Mục đích của việc này là để Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, cho ý kiến và nếu cần thiết sẽ chỉ đạo xử lý những sự việc gây bức xúc trong nhân dân cũng như giải quyết các vấn đề kịp thời hơn; đồng thời làm cơ sở tổng hợp báo cáo tại các kỳ họp của Quốc hội.
Theo Nghị quyết số 289/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021". Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn; Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình làm Phó Trưởng đoàn thường trực; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm làm Phó Trưởng đoàn.
Phạm vi giám sát là việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021 trên phạm vi cả nước (thời kỳ trước và sau có liên quan). Đối tượng giám sát là Chính phủ và các bộ, ngành; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Nội dung giám sát nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Nghị quyết nêu rõ: Đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 27 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết và các đề cương báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2022 về kết quả giám sát; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề và gửi báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết, các đề cương báo cáo, đối tượng chịu sự giám sát, dự kiến ban đầu phân công đối với các thành viên Đoàn giám sát.